Đội quân tóc dài, ngày ấy - bây giờ

08/01/2010
Buổi gặp mặt truyền thống “Đội quân tóc dài” do Hội LHPN tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức cách đây 3 ngày ngập tràn những nụ cười mừng vui ngày tao ngộ. Đã 50 năm từ khi thành lập, “Đội quân tóc dài” với những cô gái trẻ trung, sôi nổi năm xưa nay đã lên chức bà và cũng có người không còn nữa. Nhưng những câu chuyện họ kể thì mãi là bản hùng ca đáng tự hào của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

* Ngày ấy...

Cô gái Đặng Thị Liên (trị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) mới 20 tuổi, đã háo hức theo chú ruột và anh trai nhập ngũ cầm súng bảo vệ quê hương. Năm tháng quân ngũ đã tôi luyện cô gái trẻ thành một nữ Trung đội trưởng dũng cảm. Những trận thắng giặc ở Nhơn Hậu, Đập Đá, Nhơn Hưng của Trung đội nữ thuộc Huyện Đội Bắc Giang (An Nhơn), dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Đặng Thị Liên, đã mang về cho bà nhiều bằng khen và giấy khen. Rồi bà bị địch bắt bỏ tù 4 năm...

 “Đội quân tóc dài” ra đời trong phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960 và đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: chính trị, binh vận và vũ trang để đánh địch. Tuy vậy, một người cũng có thể đấu tranh được 3 mũi: vừa trực diện đấu lý với địch, vừa khéo léo tranh thủ binh sĩ và tự mình thừa thời cơ diệt ác, trừ gian. “Đội quân tóc dài” Bình Định có nhiều gương chiến đấu, tiếp phẩm, cứu thương dũng cảm như: chị Trần Thị Kỷ (An Nhơn); chị Võ Thị Xuân Mai, Trần Thị Thừa, Trần Thị Huệ (Phù Cát); chị Nguyễn Thị Hãnh (Phù Mỹ); chị Thái Thị Còn, Lê Thị Sửu, Trần Thị Đào, Lê Thị Cúc, Lê Thị Nhung...

Cũng vậy, có mặt tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Yên (huyện Phù Cát) không khỏi xúc động khi cùng đồng đội cũ nhớ về những tháng ngày đạn bom khói lửa năm xưa. Khi đó, là cán bộ phụ nữ xã, bà đã vận động phụ nữ địa phương tham gia đấu tranh chính trị với nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Ký ức còn đọng lại rất rõ trong bà những ngày tháng tuyên truyền, vận động chị em phá ấp, phá đường, đi tải gạo, tải đạn, vót chông, cắm chông, bố phòng, rào làng chiến đấu, xây dựng lực lượng du kích mật, bám chốt đánh địch, thuyết phục bà con trở về làng, hướng dẫn chị em cách tiếp cận, thuyết phục binh sĩ không cầm súng cho giặc... Cực mà vui, mà thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Bây giờ, bà Lê Thị Minh Tâm thấy mình như trẻ lại như cái thời 50 năm về trước. Lúc ấy, bà tham gia cách mạng và trải qua nhiều công tác khác nhau từ huyện đến tỉnh, lúc là công tác Đảng, khi là công tác đoàn thể. Trong chiến tranh, bà từng giữ chức Bí thư Ban đấu tranh chính trị tỉnh, Ủy viên Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh. Bà nhớ lại: “Nhiệm vụ đấu tranh chính trị của chúng tôi lúc đó là vận động quần chúng tấn công bằng bạo lực chính trị suốt cả quá trình cách mạng. Không chỉ tham gia đấu tranh chung, bản thân tôi còn đấu tranh trực tiếp với địch, nhiều vụ việc đáng nhớ như: đấu tranh chống ly khai Đảng, chống ly hôn chồng đi tập kết, chống địch bắt gia đình có con đi tập kết, đấu tranh binh vận làm rã hàng ngũ địch, thu 21 súng bổ sung cho quân đội ta, đấu tranh đòi khẩu phần ăn cho tù chính trị… Trong đấu tranh, chúng tôi áp dụng nhiều hình thức uyển chuyển, có tình có lý,  nên buộc địch phải chấp thuận”.

Những phụ nữ tuổi mới đôi mươi ngày ấy, dù biết tham gia cách mạng là gian khổ, là hy sinh, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận, mà nói như bà Đinh Thị Mười (Vĩnh Thạnh), một người tham gia cách mạng từ năm 1962, thì: “Vẫn biết tham gia cách mạng là gian khổ, nhưng tôi đã xác định: đất nước lâm nguy thì mình phải xung trận. Mình phải sống vinh và chết vinh”.

* …... Bây giờ

 Tại buổi Gặp mặt truyền thống “Đội quân tóc dài” có một tình tiết thật xúc động. Ở nội dung giao lưu, những ký ức một thời gian khổ mà hào hùng của Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Ngọc khiến nhiều đại biểu bên dưới xúc động đến bật khóc, nhất là các đoàn viên - thanh niên. Rồi cũng chính những ký ức ấy đã khiến 2 phụ nữ tiêu biểu trong “đội quân tóc dài” năm xưa vì quá xúc động, đã lên cơn co giật ngay tại hội trường. Họ liên tục nói: Tôi mới 13, 14 tuổi, có biết cách mạng là gì đâu... Mấy ông đừng cho tôi uống nước nữa, tôi uống không nổi nữa mà, tôi không biết gì đâu...

Hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước, chịu nhiều bom đạn và đòn roi tra tấn của kẻ thù, nhiều người lập gia đình muộn - đó là những nét phác họa cơ bản về “đội quân tóc dài” năm xưa. Và đội quân được đánh giá: “Có sức níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác, chặn đứng chiến xa và bẻ gãy hành quân càn quét của địch” ngày ấy, sau hòa bình, cũng với tinh thần trên, lại tiếp tục tham gia xây dựng quê hương.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Phúc, năm 1995, sau khi nghỉ hưu, đã lên Gia Lai làm cà phê để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện cơ ngơi của bà là 2.000 gốc cà phê và 500 trụ tiêu. Từng ấy năm tại quê hương mới, cũng là từng ấy thời gian bà tham gia công tác địa phương, từ làm phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, đến Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và bây giờ là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã.

Bà Nguyễn Thị Thẩm (Hoài Nhơn), dẫu mang trong mình nhiều vết thương do bị tù đày và là thương binh hạng 2/4, nhưng đã vượt qua khó khăn khi chồng mất (chồng bà cũng là thương binh) để nuôi dạy 2 con ăn học, trưởng thành.

Với bà Lê Thị Minh Tâm, sau giải phóng, bà tiếp tục công tác. Đến khi nghỉ hưu, bà lại tham gia công tác Đảng, đoàn thể địa phương. Nói đến bà, người dân phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn) đều cảm phục và yêu mến, bởi đó là một người hết lòng trong công tác chăm sóc trẻ em. 12 năm liền, bà tổ chức và duy trì lớp học tình thương cho trẻ lang thang cơ nhỡ. Và bây giờ, khi đang ở tuổi 78, bà là Chủ tịch Hội Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh.

Theo Báo Bình Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video