Đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017

09/10/2017
Trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017 (APEC WEF), ngày 28/9, tại TP. Huế đã diễn ra chương trình Đối thoại công-tư về phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017 với chủ đề “Phụ nữ là doanh nhân”.

Đối thoại công-tư về phụ nữ và kinh tế là một trong ba sự kiện chính của APEC WEF, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ, vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bao trùm.

Đối thoại lần này tập trung trao đổi về các vấn đề: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng chủ đề của Đối thoại tuy ngắn gọn, nhưng thể hiện tinh thần quyết tâm, nghị lực vươn lên của các doanh nhân nữ trong thời kỳ mới. 

Phó Chủ tịch nước nhìn nhận: Quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. “Chúng ta biết Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó đề cao nhiệm vụ bảo đảm bình đẳng giới. Đây là khuôn khổ quan trọng để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên phạm vi toàn cầu, trong đó nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu”.

Phó Chủ tịch nước cũng đã chia sẻ một số đánh giá, suy nghĩ của mình về vấn đề làm sao để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đồng thời mong muốn trong Đối thoại lần này, các đại biểu và diễn giả sẽ cùng nhau thảo luận sâu hơn để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp của các nền kinh tế thành viên trong khu vực APEC, để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là trong thời đại kỷ nguyên số.  

“Hãy cùng hy vọng với nỗ lực của tất cả chúng ta, một ngày nào đó sẽ không còn bất cứ rào cản, định kiến nào đối với phụ nữ. Số lượng nữ lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế sẽ chiếm đến 50% và cao hơn nữa”, Phó Chủ tịch nước phát biểu.

Để có thể biến những mục tiêu thành hiện thực, Phó Chủ tịch nước cho rằng, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần thực sự hiểu về khả năng và vai trò phụ nữ, chia sẻ và hỗ trợ phụ nữ, giúp họ có thể đóng góp cho nền kinh tế của quốc gia, dân tộc và cho toàn xã hội. Mỗi nền kinh tế cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở pháp lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có thể xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.

“Chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Phụ nữ phải luôn biết, chấp nhận và dám vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận khó khăn thử thách để tiến lên phía trước”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức. Đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đại biểu tích cực, thẳng thắn trao đổi, nêu lên những thách thức, kiến nghị giải pháp và đề đạt nguyện vọng. Các ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị của đại biểu sẽ giúp định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới để tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của khu vực.

Phát biểu với tư cách là đại biểu khách mời danh dự, bà Lakshmi Puri, Phó Giám đốc điều hành của UN Wonmen, cho rằng Đối thoại hôm nay là một nền tảng rất quan trọng để chúng ta thúc đẩy làm thế nào để mở cửa, trao quyền cho phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi rất năng động. Sự năng động này cũng đồng hành với quyền năng của phụ nữ đã và đang được tăng cường trong các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Lakshmi Puri cho rằng, trao quyền kinh tế cho phụ nữ là đầu tư thông minh và đây là vấn đề cần chia sẻ nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm. Phụ nữ có thể làm tốt hơn nếu được trao quyền và được hỗ trợ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam cho biết, hiện nay, ở Việt Nam, bình quân cứ trong 4 người là doanh nhân thì có 1 người là phụ nữ. Tiềm năng của phụ nữ trong kinh doanh là rất lớn, là mỏ vàng ròng trong các nền kinh tế nếu biết khơi dậy. Vì vậy, chúng ta cần có các chính sách kinh tế thông minh hơn, thân thiện với phụ nữ hơn.

chinhphu.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video