Đơn Dương đa dạng các mô hình tập hợp thu hút hội viên phụ nữ

04/10/2011
Đội ngũ cán bộ Hội LHPN Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) từ huyện đến cơ sở ngày càng trưởng thành, trình độ, năng lực từng bước được nâng lên. Nội dung hoạt động có nhiều đổi mới, sáng tạo và linh hoạt của tổ chức Hội đã thu hút được các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Bà Nguyễn Thị Lài - Chủ tịch Hội LHPN Đơn Dương đánh giá: “Trong 5 năm qua, Hội LHPN Đơn Dương đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại Hội LHPN các cấp nhiệm kỳ 2006 - 2011 như: tỉ lệ tập hợp hội viên, chất lượng hội cơ sở, tỉ lệ bà mẹ có con dưới 16 tuổi được tuyên truyền giáo dục, giảm tỉ lệ phụ nữ nghèo làm chủ hộ, chuẩn hóa chức danh theo quy định cho cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở”. Toàn huyện có gần 12.500 hội viên phụ nữ, tỉ lệ tập hợp hội viên đạt hơn 67%, tăng khoảng 15% so với đầu nhiệm kỳ, 76% hộ gia đình có phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia vào Hội LHPN.

Hội LHPN xã Ka Đô là đơn vị điển hình xây dựng các mô hình tập hợp thu hút hội viên tham gia sinh hoạt. Đây là xã chuyên canh rau thương phẩm, có 1/3 là đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động chị em tham gia vào hội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn do chị em luôn chăm lo gia đình, ít muốn vươn ra ngoài xã hội, chị em chỉ cần lo ăn, lo mặc cho đầy đủ, còn việc hội họp là của nam giới. Hội LHPN xã đã chọn những địa bàn thôn khó tập hợp chị em sinh hoạt để xây dựng các mô hình điểm phù hợp với sở thích và tín ngưỡng tôn giáo, đưa vào nội dung sinh hoạt hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn, như: Mô hình tổ phụ nữ người Hoa, mô hình giao lưu kết nghĩa giữa chi Hội LHPN thôn người Kinh và chi Hội LHPN dân tộc thiểu số, mô hình chăn nuôi bò giúp phụ nữ nghèo, mô hình 5 không - 3 sạch. Nhờ vậy, hàng năm tỉ lệ chị em tham gia sinh hoạt Hội trên 80%, phong trào phụ nữ của xã và các chi hội có nhiều bước phát triển mới, không có chi hội yếu kém, không có chi tổ hội trắng hội viên, thực hiện tốt phương châm: “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội”.

Kinh nghiệm của chị Ma Biển - Chi hội trưởng Chi Hội LHPN thôn Ka Đơn của xã Ka Đơn là vai trò của người cán bộ Hội rất quan trọng trong hoạt động phong trào phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ma Biển là thành viên của tổ phụ nữ xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số do Hội LHPN thành lập, chị đã gương mẫu thực hiện không thách cưới khi con trai lấy vợ và được bà con trong dòng họ đồng tình ủng hộ. Chị cho biết: “Trong chi hội tôi có 100% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số nên tôi cố gắng giúp chị em có thêm những kiến thức mới về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, sản xuất. Chi hội xây dựng mô hình nuôi heo đen từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chăn nuôi thuộc chương trình 125 của xã. Tôi đã tổ chức họp chi hội bình xét chọn 10 hội viên phụ nữ nghèo để nhận nuôi 20 con heo và cam kết nuôi heo sinh sản để nhân rộng chứ không được bán. Sau khi giao nhận heo, các chị em được tập huấn cách chăm sóc và phòng bệnh cho heo theo khoa học. Qua 2 năm thực hiện, đến nay mô hình đã nhân rộng ra 17 hộ với 43 con heo, các hộ thu nhập từ việc bán heo con trên 60 triệu đồng”. Chi Hội LHPN thôn Ka Đơn được Hội LHPN xã Ka Đơn khen thưởng là đơn vị xuất sắc 5 năm liền, cá nhân chị Ma Biển vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010.

Chi Hội LHPN thôn 1, xã Đạ Ròn nổi bật với hoạt động hỗ trợ phụ nữ chăn nuôi bò sữa phát triển kinh tế gia đình. Điều kiện ở thôn có nhiều thuận lợi về chăn nuôi bò sữa vì đa số chị em từng làm công nhân bò sữa, trong thôn có đội ngũ thú y nhiều kinh nghiệm và gần các trạm thu mua sữa nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Chi Hội LHPN thôn 1 đã vận động chị em chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang chăn nuôi bò sữa, đồng thời tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 40 chị vay vốn, mỗi chị vay từ 15 - 20 triệu đồng mua con giống, xây chuồng trại. Chi hội còn xây dựng tổ hùn vốn để giúp chị em tăng thêm nguồn vốn chăn nuôi. Hiện nay trong thôn có trên 75% hộ gia đình nuôi bò sữa. Nhiều gia đình lúc đầu nuôi từ 1 - 2 con, nay tăng lên 10 - 15 con/hộ. Đời sống gia đình hội viên ngày càng khá giả, chị em càng tích cực tham gia phong trào Hội, nhờ vậy 10 năm liền Chi Hội LHPN thôn 1 xã Đạ Ròn hoạt động xuất sắc.

Còn nhiều mô hình nổi bật khác như: mô hình Câu lạc bộ hạn chế sinh con thứ ba ở vùng đồng bào dân tộc thuộc Chi Hội LHPN Khu phố M’Lọn - thị trấn Thạnh Mỹ, phong trào xây dựng “Mái ấm tình thương” của Hội LHPN xã Lạc Lâm… đã góp phần củng cố tổ chức Hội từ các chi, tổ, xây dựng được lực lượng nòng cốt, cốt cán và là nơi tập hợp các tầng lớp phụ nữ chung tay phát triển phong trào ngày càng hiệu quả, thiết thực.

Theo baolamdong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video