Đóng góp trách nhiệm vào các dự thảo văn bản trình Hội nghị Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khóa XII, lần thứ 10

25/12/2020
Chiều 24 và sáng 25/12, BCH TW Hội LHPN Việt Nam khóa XII tổ chức thảo luận theo hình thức chia tổ và tập trung tại hội trường để đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản trình Hội nghị lần thứ 10. Trong quá trình thảo luận, đã có nhiều lượt ý kiến đóng góp trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ của các đại biểu với tâm huyết cùng xây dựng công tác Hội và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển thực chất, toàn diện.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Theo đó, đa số các ý kiến đồng tình đánh giá cao về quá trình chuẩn bị các văn bản trình bày Hội nghị BCH rất công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm mới, sáng tạo; công tác điều hành Hội nghị khoa học.

Cùng với đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và căn cứ vào thực tiễn hoạt động của các cấp Hội tại địa phương, nhiều lượt ý kiến đã đóng góp đề nghị điều chỉnh, bổ sung, nghiên cứu thêm về một số vấn đề, nội dung trong các dự thảo văn bản, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XIII và dự thảo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam sửa đổi, bổ sung.

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, về chủ đề trong dự thảo Báo cáo “Phụ nữ Việt Nam Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự thịnh vượng của đất nước”, một số ý kiến đề nghị thay cụm từ “thịnh vượng” bằng “phát triển” hoặc “phát triển bền vững” để phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện kinh tế hiện nay của đất nước. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm từ “phát triển” vào sau cụm từ “hạnh phúc”.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Góp ý vào các chỉ tiêu chủ yếu, đại đa số các ủy viên BCH đồng ý với 8 nhóm chỉ tiêu và phương thức xây dựng chỉ tiêu từ dưới cơ sở lên. Một số ý kiến đóng góp đề nghị gộp số hộ thoát nghèo và số hộ thoát cận nghèo thành một chỉ tiêu, có chỉ tiêu về phát triển hội viên và phát triển mạng lưới của hai tổ chức thành viên ở cấp tỉnh, có ý kiến băn khoăn về số lượng phát triển hội viên đang dự kiến phân bổ cho từng tỉnh.

Đối với chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin, có ý kiến cho rằng chỉ tiêu Hàng năm, ít nhất 02 triệu lượt hội viên, phụ nữ được tiếp cận thông tin, kiến thức qua hình thức trực truyến của các cấp Hội là thấp so với tổng số hội viên trên toàn quốc hiện nay hoặc chỉ tiêu 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội là cao, nhất là đối với cán bộ cấp cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Về phong trào thi đua, đa số ý kiến đồng ý chọn hai vấn đề là gia đình và xây dựng người phụ nữ làm nội dung của phong trào thi đua trong nhiệm kỳ tới. Một số ý kiến đề nghị ghép hai nội dung này thành 01 phong trào.

Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Hai khâu đột phá được xác định trong dự thảo Báo cáo gồm Ứng dụng công nghệ thông tin và Đồng hành, phát huy vai trò của đội ngũ chi, tổ trưởng đã nhận được đa số ý kiến thống nhất của các đại biểu. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cần cho rằng khâu đột phá ứng dụng công nghệ thông tin cần làm rõ, cụ thể nội hàm của khâu đột phá này,chỉ tiêu để đánh giá kết quả đầu ra, có các giải pháp cụ thể để triển khai vì ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là trong điều hành hoạt động Hội mà còn mở rộng ra các đối tượng hội viên phụ nữ, thích ứng với “chương trình chuyển đổi số quốc gia”, tiếp cận và thụ hưởng các tiện tích dịch vụ công trực tuyến.

Khâu đột phá Đồng hành cùng đội ngũ chi, tổ trưởng, có ý kiến đề nghị mở rộng nội dung thành nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt cấp cơ sở hoặc đồng hành cùng chi, tổ hội, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp Hội trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, nâng cao năng lực chi, tổ trưởng, nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội trường

Góp ý vào Dự thảo Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung: Đối với Điều 3, quy định điều kiện trở thành hội viên, một số ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “hoàn cảnh kinh tế”; Sửa “từ 18 tuổi” thành “đủ 18 tuổi” cho phù hợp các quy định pháp luật liên quan ở Khoản 1 vì thành phần xã hội đã bao gồm cả hoàn cảnh kinh tế. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm quy định về nhiệm vụ của hội viên danh dự tại Khoản 2. Về Điều 8, quy định tổ chức thành viên, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm, sự ràng buộc giữa các tổ chức thành viên do Hội vận động thành lập. Quy định hình thức bầu cử, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định về trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của cấp uỷ và Hội cấp trên. Đặc biệt, quy định về tổ chức Hội cấp cơ sở nhận được nhiều ý kiến quan tâm với các góp ý cụ thể như: Cần giải thích cụ thể “tương đương” là cấp nào; tương đương cấp cơ sở, huyện thì đánh giá như thế nào, đặc thù có được tỷ lệ để xét khen thưởng không. Các CLB, tổ, nhóm phụ nữ theo ngành nghề, lứa tuổi có được xác định là cơ sở của Hội không; việc thành lập các tổ chức cơ sở đặc thù có được xác định là tổ chức chính trị - xã hội không… Về vấn đề thành lập Uỷ ban Kiểm tra, đa số các ý kiến thống nhất cần có Uỷ ban Kiểm tra do Đại hội bầu, nhưng nên cân nhắc về cấp thành lập (có thể chỉ cấp tỉnh và cấp TW).

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp

Tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa khẳng định tinh thần cầu thị, tiếp thu của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam nhằm xây dựng các văn kiện đảm bảo tính chính trị, đúng với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới; Đồng thời chứa đựng sức sáng tạo to lớn, phát huy được trí tuệ của các tầng lớp phụ nữ với nhiều tưởng mới, hiến kế mới, tràn đầy sức sống từ cơ sở.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video