Đồng hành, hỗ trợ để phụ nữ phát triển toàn diện, góp phần thực hiện khát vọng dân tộc

13/02/2021
Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trên Báo Phụ nữ Việt Nam nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga.

Năm 2020 đi qua với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ, có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần vào thành tích chung của cả nước. Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có những chia sẻ trên cho Báo Phụ nữ Việt Nam.

PV: Kính thưa Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, sau gần 1 năm đảm trách vị trí Chủ tịch Hội, ấn tượng sâu sắc nhất của đồng chí về công tác Hội là gì?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Đối với tôi, ấn tượng trước hết là việc lựa chọn chủ đề năm. Đây là trục chính để tất cả các hoạt động của Hội bám sát và cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế. Có thể thấy chủ đề năm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" là lựa chọn chính xác có tính thời sự, vừa tập trung được nguồn lực, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của gia đình, của xã hội như phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán người, phòng, chống xâm hại, an toàn giao thông, an toàn nơi công cộng, an toàn thực phẩm, an toàn về kinh tế, tín dụng, an toàn trong không gian mạng...

An toàn cho phụ nữ và trẻ em cũng đã được cụ thể hóa một cách sinh động ngay cả trong các thử thách của đất nước, như trong đại dịch Covid-19 hay trong giai đoạn bão lũ miền Trung. Khi về Hội, tôi đã đi một số tỉnh/thành, gặp gỡ nhiều phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề, dân tộc và cảm nhận rõ được sự quan tâm và ủng hộ của chị em phụ nữ với hoạt động Hội.

Thứ hai là cùng niềm tự hào với truyền thống 90 năm hình thành, phát triển, cán bộ Hội các cấp đang nỗ lực tự đổi mới chính mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào phụ nữ và sự phát triển của đất nước. Điều đó thể hiện ở việc các cấp Hội đã sáng tạo, linh hoạt và có nhiều đổi mới trong phương thức tổ chức hoạt động, đặc biệt là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các cấp Hội đã kịp thời chuyển tải thông tin chính thống, chia sẻ hình ảnh tích cực về các nỗ lực của nhân dân và phụ nữ trong phòng, chống dịch trên các mạng xã hội (tính đến ngày 15/11/2020, trang fanpage của Trung ương Hội đã đăng tải 5.087 thông tin liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19). Các phần mềm về quản lý hội viên, điều hành tác nghiệp đang được hoàn thiện. Các phương tiện như họp trực tuyến, sự kiện truyền thông trực tuyến cũng được tổ chức thường xuyên và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Phụ nữ An Giang làm khẩu trang chung tay phòng chống dịch Covid-19 (tháng 3/2020).

PV: Trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ cũng như tổ chức Hội. Những chỉ đạo, định hướng lớn trong văn kiện của Đảng cần được cụ thể hóa vào các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ trong thời gian tới như thế nào?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu cụ thể luận điểm về xây dựng lực lượng phụ nữ, đó là: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em".

Bên cạnh đó, Dự thảo tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội LHPN Việt Nam; khẳng định vai trò và tiềm năng của phụ nữ cũng như việc tạo điều kiện và cơ hội phát triển người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và nền kinh tế số.

Có thể thấy, cách tiếp cận của Dự thảo đối với phụ nữ là một mặt hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt phụ nữ yếu thế, khó khăn để họ có đủ kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống; mặt khác phát huy tiềm năng, tinh thần làm chủ của các lực lượng phụ nữ trong xã hội. Theo đó, phụ nữ vừa là chủ thể nhưng cũng là đối tượng thụ hưởng kết quả từ quá trình phát triển của đất nước. Khi Dự thảo văn kiện được thông qua, đây sẽ là tư tưởng chỉ đạo quan trọng đối với hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.

Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là thời điểm Hội LHPN Việt Nam tiến hành Đại hội Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng vào văn kiện đại hội phụ nữ các cấp, cùng các ngành, các cấp và nhân dân cả nước nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ.

PV: Năm 2021 cũng là thời điểm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Phụ nữ là lực lượng đa số trong xã hội, với vai trò đại diện của mình, Hội LHPN Việt Nam sẽ tham gia như thế nào trong cuộc bầu cử này?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Việc nữ giới tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là cơ hội để phụ nữ có quyền lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài; những người đủ tiêu chuẩn, không phân biệt nữ, nam xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, phụ nữ thực hiện quyền bầu cử của mình là trực tiếp phát huy quyền dân chủ trong xây dựng Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Để hỗ trợ phụ nữ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, theo chỉ đạo từ trung ương, các cấp Hội chuẩn bị cho việc tham gia bầu cử:

- Tìm kiếm, giới thiệu nguồn và chọn ứng cử viên: Hội LHPN các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức mình.

Tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ tham gia các buổi tiếp xúc cử tri để giới thiệu người ứng cử, nhận xét người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo qui định, đồng thời tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương; tích cực tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Tuyên truyền về việc tham gia bầu cử: Thực hiện các hình thức tuyên truyền, các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác vận động phụ nữ tham gia bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tập trung vào các nội dung sau: thành tựu nổi bật của Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp; Đóng góp của Hội, của nữ Đại biểu Quốc hội và của phụ nữ; Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; Diễn biến và kết quả bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tổ chức sinh hoạt hội viên về các tài liệu tuyên truyền theo các chủ đề, nội dung của từng thời điểm trước bầu cử.

- Giám sát các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nữ cán bộ trong Hội đồng nhân dân các cấp: đảm bảo các chỉ tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đề ra mục tiêu đến năm 2030: "Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%". Từ việc giám sát, phải nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở địa phương; chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy cùng cấp trong tất cả các khâu phát hiện nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, đề bạt, bầu cử; đồng thời, tăng cường sự phối hợp trong việc giám sát, phản biện xã hội các chính sách về cán bộ nữ...

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 6 từ phải sang) trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam” cho các cá nhân trong mạng lưới Lãnh đạo nữ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Hội LHPN Việt Nam khối bộ, ngành (tháng 9/2020)

PV: Năm 2021 là năm nước rút của Hội phụ nữ các cấp trong việc phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, Trung ương Hội sẽ có những chỉ đạo cụ thể gì? Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam có những định hướng lớn gì cho hoạt động Hội và phong trào phụ nữ nhiệm kỳ tới?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Tích cực hướng tới Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp và Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 868/KH-ĐCT ngày 06/7/2020 định hướng hoạt động trọng tâm năm 2021 triển khai tới các cấp Hội. Trong đó, Trung ương Hội tập trung định hướng "Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" và tiếp tục thực hiện chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em".

Trung ương Hội nhấn mạnh, cần tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị Quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Đến nay, khi nhiệm kỳ Đại hội đã gần kết thúc, nhiều tỉnh, thành Hội đã thu được những kết quả tích cực, đạt và thậm chí vượt mốc nhiều chỉ tiêu Đại hội. Đây là kết quả rất đáng mừng nhưng các cấp Hội vẫn cần chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở, trong đó tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", cuộc vận động Rèn luyện các phẩm chất đạo đức "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" và các Đề án của Hội.

Năm 2021 cũng là thời điểm các cấp Hội tích cực chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ mới bởi vậy cần nghiêm túc rà soát chất lượng các hoạt động đã và đang triển khai, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như những hạn chế cần khắc phục; chuẩn bị văn kiện và xây dựng đề án nhân sự để bước vào nhiệm kỳ tới, phong trào phụ nữ phát triển lên tầm cao mới.

Trong thời gian tới, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam bằng việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hành động, thí điểm một số mô hình mới. Chiến lược phát triển Hội LHPN đã chỉ rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và mục tiêu chiến lược của Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2035 sẽ khẳng định vị thế là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Đây cũng chính là "kim chỉ nam" để Hội LHPN Việt Nam xây dựng các phong trào phụ nữ và hoạt động Hội trong nhiệm kỳ tới.

PV: Vừa đảm trách công tác xã hội vừa là người bà, người mẹ, người vợ trong gia đình, Chủ tịch chia sẻ về những việc thường làm trong ngày đầu năm mới?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại nhất trong một năm mà còn là dịp đoàn viên, vì thế việc sum họp gia đình trong ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng. Trong những ngày này, tôi cũng như tất cả những người phụ nữ khác, dù có bận rộn thế nào cũng sẽ cùng các thành viên trong gia đình dành thời gian bên nhau, lau dọn bàn thờ, bày mâm ngũ quả theo văn hóa truyền thống của người Việt.

Chiều 30 Tết, tôi cùng các con nấu mâm cỗ cúng tất niên, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Sau đó các thành viên quây quần đầm ấm vừa ăn cơm vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện vui sau một năm học tập, làm việc. Sau bữa cơm Tất niên, mọi người trong gia đình sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.

Sáng mồng 1 Tết, sau khi làm mâm cơm cúng gia tiên, tôi cùng ông xã và các con đi chúc Tết họ hàng người thân, các bậc cao niên, mừng tuổi đầu năm mới cho các cháu. Sau đó, tôi dành thời gian cho bản thân bằng việc nghỉ ngơi, xem một chương trình truyền hình yêu thích ngày Tết hay đọc những tờ báo xuân. Ngày đầu năm mới của tôi thường kết thúc nhẹ nhàng, ấm áp như vậy.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video