Động lực cho sự đổi mới toàn diện

28/01/2016
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và đặt rất nhiều niềm tin, hy vọng vào những quyết sách, đường lối được đưa ra để đưa đất nước phát triển mạnh trong những năm tới khi Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.

Tin tưởng và kỳ vọng

 

Cùng với nhiều đảng viên khác trong chi bộ, những ngày qua, nhà giáo Phạm Văn Thân ở phường Hàng Bột, quận Đống Đa theo dõi đầy đủ tất cả hoạt động của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, ông Phạm Văn Thân khẳng định: 11 lần Đại hội Đảng trước đây đều là những dấu mốc lịch sử, mở ra những chặng đường phát triển mới của sự nghiệp cách mạng, của dân tộc Đại hội Đảng toàn quốc XII càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi chúng ta vừa kết thúc chặng đường 30 năm đổi mới đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia đang phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

 

Bà Nguyễn Thị Cài ở phường Cổ Nhuế, quận Nam Từ Liêm cũng đồng quan điểm và mong muốn những đường lối, chủ trương được đưa ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII mang đến động lực mới cho đất nước nhằm kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được sau 30 năm đổi mới và khắc phục những hạn chế để thu hút và sử dụng hiệu quả nhân tài, phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân. “Nếu chúng ta có những quyết sách lớn để biến những tiềm năng to lớn của con người Việt Nam thành động lực cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đất nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh và bền vững”.
 
Nỗ lực nâng cao vị thế đất nước

 

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam được biết đến là nền kinh tế năng động, nhiều tiềm năng cho phát triển. Trong những năm tới đây, làm thế nào để khai thác triệt để và hiệu quả những tiềm năng của đất nước lại là trăn trở của nhiều người dân.

 

Nữ đảng viên Bạch Hồng Nga ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đồng tình với quan điểm quan trọng được đề cập trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. So với văn kiện Đại hội trước, lần này chúng ta đã xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Nhận định này rất phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước ta hiện nay.

 

Thực tiễn trên thế giới và trong 30 năm đổi mới đất nước đã minh chứng, khi được tạo điều kiện phát triển, từng cá nhân, tổ chức được khơi gợi tiềm năng để phát triển, kinh tế tư nhân đã khẳng định vị thế của mình. Chị Nga mong muốn, trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo điều kiện, đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong quá trình phát triển cho sự phát triển của loại hình kinh tế tư nhân thông qua việc đưa ra những định hướng rõ ràng hơn; tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế cuộc sống và từng loại hình doanh nghiệp...

 

Những người dân Thủ đô, đặc biệt là những nhà nông ở ngoại thành rất tự hào khi Hà Nội – chỉ trong thời gian ngắn nỗ lực đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Thành quả cách mạng mà Đảng mang đến cho nhà nông không có gì ý nghĩa và thiết thực hơn khi đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập được nâng cao, sức lao động được giải phóng và những vụ mùa bội thu.

Dạo bước trên con đường làng rộng rãi và sạch sẽ, ngắm nhìn những cánh đồng mẫu lớn, trải rộng tăm tắp, anh Đinh Văn Huy ở xã Phượng Dược, huyện Phú Xuyên mong muốn Đại hội Đảng lần này tiếp tục có những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp có sự hợp tác, gắn bó lâu dài hơn nữa với nông dân, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị, chất lượng và sản lượng của cây trồng vật nuôi đồng thời giúp nhà nông tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng; chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả và bền vững... Điều này càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn khi mà chúng ta đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong đó có chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực cùng với chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than); chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video