Đồng Tháp: Nhiều phụ nữ thoát nghèo từ mô hình trồng nấm

04/11/2014
Những năm gần đây, mô hình trồng nấm linh chi và nấm bào ngư ở tỉnh Đồng Tháp đang được nhân rộng do mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi nấm là thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, có giá trị biệt dược cao trong việc giúp tăng cường sức đề kháng, chống lão hoá và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch… Từ mô hình này, nhiều phụ nữ nghèo ở Đồng Tháp từng bước đã vươn lên thoát nghèo.

Trong dịp về công tác tại Đồng Tháp, đi đến đâu cũng nghe chị em phụ nữ nói nhiều về hiệu quả kinh tế của việc trồng nấm linh chi, nấm bào ngư khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Gặp và làm việc với chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Hồng – người tiên phong trong việc đưa cây nấm linh chi trở thành cây trồng chủ lực góp phần giúp chị em hội viên trong vùng gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, chị Loan nhiệt tình, sốt sắng dẫn chúng tôi đi thăm một số cơ sở sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư do chị em hội viên, phụ nữ làm chủ trong vùng.

Men theo những con đường làng mới còn thơm mùi xi măng, chúng tôi đến khu trồng nấm của chị Trần Thị Thắm (thị trấn Tân Hồng – huyện Tân Hồng). Đón chúng tôi từ cổng bằng một nụ cười rất tươi và giọng nói rổn rang đặc trưng của miền sông nước, chị Thắm cho biết, trước đây, gia cảnh chị rất khó khăn. Chồng mất sớm, con cái đi làm ăn xa, bản thân chị lại nay ốm mai đau nên không thu nhập rất phập phù. Từ ngày được chị Loan hướng dẫn cách trồng và hỗ trợ về vốn, giống nấm trồng, đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập tốt hơn hẳn, cuộc sống chị đã thay đổi lên từng ngày. Trồng nấm linh chi, nấm bào ngư chi phí thấp, mất ít thời gian chăm sóc, không mất quá nhiều diện tích (có thể tận dụng từ các chuồng heo cũ, kho chứa lúa…), phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương và đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thông thường, trồng nấm linh chi và bào ngư sau 3 tháng là cho thu hoạch, với giá nấm bào ngư tươi từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, nấm linh chi 200.000 đồng/kg nấm tươi, 400.000 - 500.000 đồng/kg nấm khô. Bình quân 100m2 trồng được 5.000 bịch phôi, sau 3 tháng sẽ cho lãi hơn 20 triệu đồng.

Gắn bó với nghề trồng nấm linh chi gần 2 năm, cô Trần Thị Thum ngụ ấp An Lợi, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) từ chỗ chỉ trồng thử nghiệm trên 2 ngàn phôi nấm nhưng thấy kết quả rất khả quan đã mạnh dạn mở rộng diện tích thêm 5 ngàn phôi nấm. Tổng chi phí đầu tư cho phôi nấm, nhà trồng, dây treo... khoảng 29 triệu đồng. Sau 6 tháng, gia đình cô thu hoạch được khoảng 110kg nấm khô (giá thị trường khoảng 500 ngàn đồng/kg), trừ các khoảng chi phí lãi khoảng trên 25 triệu đồng.

Là người đi đầu trong việc trồng nấm linh chi, căn nhà mặt tiền hơn 100m2 được vợ chồng chị Loan đầu tư thành một khu trồng nấm rất bài bản từ hệ thống phun nước tự động, mái che chống nóng, kệ treo bịch nấm đến việc đầu tư máy nghiền để phục vụ cho bán sản phẩm nấm bột nếu khách có nhu cầu. Khu trồng nấm của gia đình chị hiện có 7000 phôi nấm và đã cho thu hoạch được hai đợt, mỗi đợt thu về trên 20 triệu đồng. Bản thân chị Loan, cứ tranh thủ ngoài giờ hành chính lại chạy đi chạy lại như con thoi giữa các cơ sở trồng nấm của chị em để hướng dẫn, giúp đỡ khi cần thiết.

Cũng theo chị Loan, trồng nấm linh chi không mất nhiều công chăm sóc, tuy nhiên về kỹ thuật, người trồng phải chú ý và tuân thủ nghiêm túc các qui trình kỹ thuật như: khu trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo nhiệt độ từ 22 – 28oC và độ ẩm từ 80 – 90%. Ngoài ra, các khu trồng phải trang bị hệ thống tưới tự động, nền nhà phải phủ một lớp cát mỏng khoảng 1cm để đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây nấm phát triển. Xung quanh nhà trồng cần bao lưới ngăn chặn các côn trùng xâm nhập, gây hại cho nấm. Sau khi thu hoạch, nấm phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40 – 45oC.

Nói về cơ duyên đến với nghề trồng nấm, chị chia sẻ: “Mình là cán bộ Hội nên may mắn được đi nhiều, biết nhiều hơn các chị em khác. Tình cờ, trong một lần đi tham quan tại Sóc Trăng, thấy ở đó người ta trồng nhiều nấm linh chi, bào ngư và cả hoa thiên lý mang lại thu nhập rất khá. Nhận thấy đây là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương nên đã mình đề nghị UBND huyện cho thử nghiệm tại địa bàn Tân Hồng, không ngờ thu được kết quả rất tốt”.

Ban đầu, chị vận động được 7 chị em tại cụm mình ở tận dụng nhà kho, chuồng trại chăn nuôi cũ làm nơi trồng nấm, mời người ở trung tâm khuyến nông về hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng nấm linh chi; chuẩn bị trại trồng nấm; cách chăm sóc và thu hái nấm theo từng giai đoạn; phòng ngừa một số sâu bệnh trên nấm như: nấm mốc, nấm dại, nhiễm khuẩn, côn trùng… Chị cũng tìm cách liên hệ với công ty TNHH MTV Măng Tây (Bạc Liêu) thu mua để bao tiêu sản phẩm cho chị em. Sau khi trừ chi phí phôi giống, mỗi đợt thu hoạch các chị có lãi trên dưới 3 triệu đồng (tính trên 1.000 phôi giống).

Tiếng lành đồn xa, đến nay đã có 19 chị tham gia mô hình. Chị Loan cho biết, sắp tới, dự định của chị sẽ liên hệ với Công ty dược phẩm Domexco để làm thế nào đưa các sản phẩm nấm linh chi làm nguồn liệu đầu vào, góp phần làm bền vững mô hình trồng nấm, tăng thêm thu nhập, tạo sinh kế ổn định cho chị em phụ nữ nghèo!

Thu Hương – Ban Tuyên giáo TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video