Đồng vốn nhỏ, hiệu quả lớn

16/09/2011
Hơn 3 năm qua, dự án “Phát triển lâu dài quỹ tín dụng nhỏ cho các hộ nghèo” tại thành phố Cần Thơ (thời gian 7 năm, từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2014) do Hội Good Morning Vietnam - tổ chức nhân đạo của Trường HEC Paris, Cộng hòa Pháp (Trường Cao đẳng thương mại Paris) - tài trợ đã giúp nhiều hội viên phụ nữ ở quận Ninh Kiều có điều kiện làm ăn, cải thiện kinh tế gia đình.

Mới hơn 9 giờ sáng, quán cơm tấm của dì Vũ Thị Huệ đã dẹp nghỉ. Sau khi trừ chi phí, tính ra hôm ấy dì Huệ lời trên 200 ngàn đồng. Những hôm khách đông, dì Huệ nấu thêm cơm thì tiền lời nhiều hơn. Nhà dì ở trong hẻm sâu đường Hùng Vương, khu vực 1, phường Thới Bình. Hơn 10 năm nay, dì bán nhờ trước cửa nhà một người bà con ở hẻm 2 đường Đinh Tiên Hoàng, cùng phường. Phong cách phục vụ ân cần, giá cả phải chăng, thức ăn ngon nên quán của dì Huệ luôn đông khách. Năm rồi, được xét vay 5 triệu đồng với lãi suất thấp của dự án “Phát triển lâu dài quỹ tín dụng nhỏ cho các hộ nghèo”, dì Huệ có điều kiện sắm thêm bàn ghế, mua thực phẩm nhiều hơn để bán. Có thu nhập ổn định, dì sắm sửa vật dụng trong nhà, mua xe gắn máy... Bất hạnh ập đến khi chồng và mẹ ruột của dì bị bệnh lần lượt qua đời. Khó khăn chồng chất, dì xin gia hạn nợ đến cuối năm nay. Dì Huệ cho biết: “Nhờ nguồn vốn này tôi đã có điều kiện làm ăn, nuôi con học hành đàng hoàng. Năm nay, tôi sẽ cố gắng trả nợ đúng hạn để xin được vay thêm lần nữa”.

Ngoài gia đình dì Huệ, trong số 12 hộ được xét vay vốn trong năm 2010 ở phường Thới Bình, nhiều hộ đã vươn lên làm ăn khấm khá. Như trường hợp chị Lý Uyên ở đường Hùng Vương, khu vực 3, được xét vay 10 triệu đồng mở tiệm uốn tóc. Có thu nhập ổn định, vợ chồng chị sửa sang nhà cửa tươm tất. Đầu năm 2011, chị Uyên đã có khả năng tự túc chi phí, trả lại vốn, không vay nữa. Chị Phan Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Thới Bình, chia sẻ: “Đa phần các hộ vay ở phường là hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vốn vay của chương trình đã giúp chị em có vốn mua bán nhỏ, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình một cách rõ rệt”.

Hôm chúng tôi đến, cả nhà dì Trần Thị Kim Ba ở khu vực 1, phường An Bình đang tất bật bọc da các tấm nệm để giao hàng cho khách. Mấy chục năm qua, đây là nghề truyền thống của gia đình dì Kim Ba và hiện tại, các con, dâu rể của dì đều sống bằng nghề này. Trước đây, mỗi khi nhận hàng của khách, dì Kim Ba phải xin ứng vốn trước hoặc mua chịu vật liệu để làm. Ít vốn, dì không dám nhận đơn hàng nhiều. Có thời gian, dì phải vay nợ bên ngoài với lãi suất rất cao. Dì Kim Ba kể: “Năm rồi, khi được xét vay 5 triệu đồng, tôi mừng không ngủ được. Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình tôi trong lúc túng ngặt. Tôi bắt đầu vận động cả nhà thực hiện kế hoạch tiết kiệm chi tiêu, còn mình tham gia các tổ hùn vốn của Chi hội phụ nữ khu vực. Từ số tiền tích cóp được cộng với tiền vay tôi mua thêm máy may, trữ nguyên vật liệu để dành làm hàng cho khách, không còn bị phụ thuộc vào sự biến động của giá cả thị trường. Năm nay được xét vay thêm lần nữa, tôi dự định sẽ mở rộng sản xuất”. Kinh tế của dì Kim Ba từ chỗ chỉ đủ ăn đã vươn lên ngưỡng khá. Mỗi ngày, trừ hết chi phí, dì để ống heo được trên 100.000 đồng. Ngoài nguồn khách ổn định tại Cần Thơ, cơ sở của dì đã bắt đầu có thêm những mối quen ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bình Dương... Ở khu vực 1 phường An Bình, qua một năm thực hiện chương trình vay vốn, các chị Nguyễn Ngọc Cẩm, Nguyễn Thị He, Nguyễn Thị Mai Thi, Nguyễn Thị Hường... cũng đã bước đầu làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Trong năm 2010, dự án “Phát triển lâu dài quỹ tín dụng nhỏ cho các hộ nghèo” đã phát vay cho 42 hộ ở 4 phường An Hòa, An Bình, An Khánh, Thới Bình ở quận Ninh Kiều với tổng số tiền là 179 triệu đồng. Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP Cần Thơ (đơn vị ủy thác nguồn vốn của dự án), các hộ đều trả nợ vay và lãi đúng hạn, chỉ còn một vài hộ chưa thu hồi vốn kịp, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên xin gia hạn nợ. Tính đến giữa tháng 7-2011, có 38 hộ trả dứt nợ và lãi gốc. Năm 2011, chương trình sẽ phát vay ở 5 phường An Lạc, An Phú, Thới Bình, An Khánh và An Bình. Hiện nay, theo khảo sát của dự án, còn rất nhiều chị em cần vốn để làm ăn, kinh doanh. Nhiều chị kiến nghị nên rút ngắn thời gian khi thẩm định cho vay, tăng thêm nguồn vốn đúng với nhu cầu, bởi mức vay 3-4 triệu đồng như hiện nay so với giá cả thị trường không đủ để xoay xở.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhựt, Chủ tịch Hội LHPN quận Ninh Kiều, cho biết: “Qua quá trình theo dõi, quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn nguồn vốn của dự án, các chị được phát vay đều tham gia sinh hoạt hàng tháng, trả lãi và vốn đúng thời hạn quy định, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của chị em ngày càng được nâng lên. Từ những buổi sinh hoạt này, các chị được lồng ghép tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao kiến thức trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mong chương trình tiếp tục là cầu nối nhân ái, hỗ trợ chị em vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống”.

Theo baocantho

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video