Đưa ly thân vào luật, có giảm được ly hôn?

22/01/2014
Vừa qua, trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã có buổi thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hôn nhân và gia đình. Tại buổi thảo luận, nhiều vấn đề “nóng” về hôn nhân gia đình đã được các đại biểu phân tích. Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đã tập trung góp ý vào 3 nội dung: Tuổi kết hôn, chế định ly thân và chế độ mang thai hộ. Các ý kiến này đã được đăng trên báo PNVN, website Hội xin lấy làm nguồn để trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Về phạm vi điều chỉnh của luật, tôi đề nghị xem xét có thể mở rộng thêm, làm sao bao quát được tất cả chức năng của gia đình, nhất là một số nước có luật gia đình riêng, chúng ta nên tham khảo, có một số vấn đề về chức năng gia đình chưa được thể hiện trong này.

Về điều kiện kết hôn. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu kỹ, cân nhắc. Tôi xin nêu 3 lý do để đề nghị cân nhắc, 2 lý do rất nhiều đại biểu phát biểu, một lý do nữa là căn cứ vào báo cáo số 153 của Bộ Tư pháp, tổng kết thi hành luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có nhận định: Quy định về tuổi kết hôn hiện hành về cơ bản đã đóng góp tích cực trong việc đóng góp xây dựng chế độ hôn nhân lành mạnh, hạnh phúc và bền vững, đảm bảo cho cá nhân có được sự phát triển cần thiết về thể chất, trí tuệ, kinh nghiệm xã hội, từ đó tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân gia đình. Đánh giá tốt như thế tại sao chúng ta lại sửa? Tôi biết có một bất cập rất lớn là nội dung độ tuổi kết hôn biện hành không tương thích, đồng bộ và thống nhất với qui định về người thành niên trong bộ luật dân sự. Để khắc phục bất cập này, chúng tôi đề nghị có thể đề xuất thêm một phương án để nghiên cứu mà tôi thấy rất nhiều đại biểu đã nêu và tôi cũng thống nhất, tức là “nữ đủ 18 và nam đủ 20”…

Về vấn đề ly thân, tôi đề nghị cân nhắc có đưa vào trong luật không. Vì hơn 50 năm qua chúng ta không đưa vào trong luật thì ly thân vẫn diễn ra trên thực tế. Theo tôi hiểu, thường ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn một chút, vì sĩ diện nên không muốn ly hôn, nhất còn liên quan đến chuyện đề đạt, bổ nhiệm…Do đó, nếu chúng ta đưa vào đây liệu ban soạn thảo có ước tính được phần trăm lựa chọn cách như dự thảo quy định là bao nhiêu? Chúng ta đều biết đây là giải pháp tình thế để giải quyết mâu thuẫn nhưng nếu luật hóa thì phải có quy định. Tôi đọc thấy có 17 khoản quy định về ly thân thì có đến 9 khoản quy định giống như ly hôn. Như thế là không hợp lý và đặc biệt nghiêm trọng ở chỗ khi vợ, chồng hết giận nhau, muốn làm lành với nhau thì lại phải ra tòa án để tòa án cho chấm dứt ly thân. Nếu luật mà quy định như vậy, tôi thấy rất phức tạp và hành chính hóa việc này, chưa kể là muốn ly thân thì các quyết định lại phải được gửi đến rất nhiều nơi như gửi đến cơ quan thực hiện việc đăng ký kết hôn, gửi đến 2 bên ly thân, gửi đến cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.

Chúng tôi cũng đã tổ chức tham vấn bằng phiếu khảo sát thì hơn 1/3 cho rằng không nên đưa chế định này vào luật và 40% không trả lời - nghĩa là họ đang băn khoăn không biết có nên đưa quy định đó vào luật hay không. Bên cạnh đó, qua hình thức hội thảo thì hầu hết không đồng tình đưa quy định ly thân vào luật, họ nêu rất nhiều lý do và đề nghị thay bằng chuyện quy định ly thân thì nên có các quy định về chính sách trợ giúp các vợ, chồng có cơ hội xây dựng gìn giữ hạnh phúc gia đình bền vững để giảm ly hôn và ly thân. Chúng ta cũng phải trả lời một câu hỏi nếu đưa chế định ly thân vào trong luật thì liệu có giảm được ly hôn hay không? Đây là một vấn đề rất lớn.

Về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tôi nhất trí với dự thảo. Ai cũng muốn được hạnh phúc hay quyền mang nặng đẻ đau, bất đắc dĩ mới phải nhờ mang thai hộ. Chúng ta thấy đây là một nhu cầu rất chính đáng, Nhà nước có trách nhiệm đưa ra những quy định như thế nào để đảm bảo không bị lợi dụng, để cho việc mang thai hộ thực sự thể hiện tính nhân văn. Bên cạnh đó, nếu như các cặp vợ chồng đều có con thì cũng đỡ gánh nặng cho xã hội. Cho nên, chúng tôi chỉ đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có nên có quy định bao nhiêu thời gian sau khi sinh thì người mang thai hộ phải bàn giao con hay không, vì một số lý do như các vị đại biểu đã nêu, tình cảm của người mang nặng đẻ đau, vấn đề đảm bảo cho con được bú sữa mẹ…

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video