Đưa 'nghệ thuật' làm vợ, làm mẹ vào sinh hoạt để thu hút hội viên phụ nữ

15/07/2019
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, nhiều nội dung sinh hoạt sáng tạo, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau đã được các cán bộ hội phụ nữ Thủ đô vận dụng để thu hút chị em tham gia Hội, đặc biệt là phụ nữ trẻ, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 759 cơ sở hội, 5.762 chi hội, 15.527 tổ phụ nữ. Tổng số phụ nữ tham gia tổ chức hội là 1.431.761 hội viên, trong đó hội viên do hội quản lý là 875.358 người. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hút phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội còn thấp, một số cơ sở còn có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 50% tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; mô hình thu hút các đối tượng đặc thù chưa đa dạng...

 
 
hi-hn-1.jpg
Hội viên phụ nữ Hà Nội tham gia làm sạch môi trường

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng, chị Nguyễn Thị Bảy, cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tập trung thu hút hội viên, đặc biệt là hội viên trẻ, vì một số lý do như: Phụ nữ trong độ tuổi từ 18-35 còn chuyên tâm học tập, sinh con, nuôi con nhỏ nên chưa quan tâm đến các hoạt động xã hội; vì bận công việc nên không sắp xếp được thời gian tham gia. Với những phụ nữ trung tuổi trở lên, thường có xu hướng muốn chuyển sang sinh hoạt tại Hội người cao tuổi. Bên cạnh đó, còn có một số lý do khác khiến chị e ngại không tham gia như: không muốn có nhiều thế hệ gia đình như bà, mẹ, con gái - con dâu… sinh hoạt ở một chi hội, một tổ chức.

 

Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), chị Đinh Thị Hòa, chia sẻ thêm: Quá trình vận động, tập hợp thu hút hội viên phụ nữ dân tộc của Hội LHPN xã cũng gặp không ít thách thức, do tâm lý các chị em còn rụt rè, thiếu tự tin và ít có cơ hội thể hiện bản thân. Đặc biệt, hội viên thuộc diện hộ nghèo còn cao, trình độ, nhận thức còn thấp.

 

Đa dạng hoạt động thu hút hội viên

 

Theo Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh: Xác định được những khó khăn trong việc tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt hội, nhất là hội viên phụ nữ trẻ, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Hội LHPN TP Hà Nội đã tích cực chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động Hội cơ sở, sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ…

 

Các cơ sở hội cũng đã và đang chủ động có nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt để vận động phụ nữ tham gia công tác hội.

 

Cụ thể, Hội LHPN huyện Đan Phượng đã triển khai các mô hình sinh hoạt với nội dung phù hợp cho từng đối tượng: Với thanh niên, nội dung sinh hoạt tập trung vào chủ đề tình bạn, tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình; với phụ nữ từ 31-35 tuổi, nội dung sinh hoạt tập trung vào nghệ thuật làm mẹ, nghệ thuật làm vợ, quan hệ mẹ chồng nàng dâu, kinh tế gia đình. Còn với phụ nữ ở lứa tuổi lớn hơn, sẽ tập trung vào các nội dung chăm sóc sức khỏe, tôn giáo tín ngưỡng…

Sóc Sơn là huyện có lực lượng phụ nữ nông thôn chủ yếu nên Hội LHPN huyện lựa chọn các tiêu chí để giúp đỡ phụ nữ yếu thế, dành sự quan tâm hỗ trợ bằng các hoạt động thiết thực, giúp chị em nâng cao nhận thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vay vốn, thăm hỏi, tặng quà...

 

Nằm ở khu vực nội thành, Hội LHPN quận Hoàn Kiếm xây dựng mô hình tổ chức hội theo lứa tuổi, theo ngành nghề tại một số phường, phát triển thêm nhiều hội viên mới, phần lớn là nữ thanh niên, nữ doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ hội viên phụ nữ trẻ trên địa bàn quận chiếm 7,8%.

 
hoi-hn.jpg
Các mô hình sinh hoạt hướng đến xây dựng nội dung phù hợp cho từng đối tượng

Với nhiều nỗ lực để thu hút hội viên, thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội”, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN thành phố sẽ nghiên cứu, tiếp tục chỉ đạo triển khai nhân rộng những mô hình hay thu hút hội viên, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt được chỉ tiêu không có cơ sở hội có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 50%, đa dạng các thành phần phụ nữ tham gia tổ chức Hội trong đó tăng tỷ lệ hội viên phụ nữ trẻ, nữ trí thức, nữ doanh nhân, nữ lao động nhập cư, phụ nữ dân tộc thiểu số…

Theo: https://phunuvietnam.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video