Đường xa phía trước

10/07/2013
Mang trong mình virus HIV, cô đơn, bệnh tật, cuộc sống vô cùng khó khăn, những con người ấy chỉ mong có một chốn dừng chân bình yên trên chặng đường xa mịt mù chống lại căn bệnh thế kỷ, để họ được tiếp thêm sức mạnh và ý chí sống có ý nghĩa hơn...

Chặng đường 800km

4h sáng, khi cả bản làng vẫn còn chìm trong bóng tối mờ mịt và sương đêm lạnh giá, chị Lý Thị Phiên (33 tuổi, dân tộc Tày) vội gọi con gái dậy. Con bé còn ngái ngủ, chị vừa giục con, vừa nhanh tay giúp con vệ sinh, ăn nắm xôi chị nấu sẵn đêm qua. Gần 5h sáng, 2 mẹ con tất tả đi bộ ra đường cái bắt xe khách, bắt đầu hành trình 800km – Bắc Kạn – Hà Nội – Bắc Kạn. Bé Niềm đã quá quen phải đi nên vừa lên xe là ôm mẹ ngủ gục ngay. Nhưng mấy hôm nay con bé đang sốt, chị không biết nó có đủ sức cùng mẹ đi hành trình này không? Ôm chặt con, chị giấu nỗi đau xót vào tận đáy lòng, im lặng nhìn về phía trước. Rừng cây đen thẫm vùn vụt trôi qua trước mắt, bóng đêm như kéo dài vô tận…

7 năm trước, chị Phiên kết hôn, một năm sau chị sinh bé Niềm. Ngay sau đó, chồng chị mất, để lại cho hai mẹ con mái nhà dột nát, căn bệnh HIV và nỗi đau buồn triền miên vì bệnh tật, vì bị kì thị, xa lánh. Đấy cũng là lúc sức đề kháng của bé Niềm xuống thấp nghiêm trọng, suốt ngày tiêu chảy, ốm đau dặt dẹo, 3 tuổi mà nặng có hơn 7kg. Một mình chị ôm con chạy vạy khắp nơi, hết huyện lên tỉnh rồi xuống Hà Nội, đôi chân bước qua không biết bao nhiêu con đường, chịu bao cô độc, đắng cay chỉ để kéo dài sự sống cho con… Ở Bắc Kạn chưa có thuốc điều trị ARV cho trẻ em nên đều đặn hàng tháng, chị phải đưa bé Niềm xuống viện Nhi Trung ương để khám, lấy thuốc.

Xuống bến xe Mỹ Đình đã gần 12h trưa, nắng gắt chói chang, hơi nóng hầm hập phả vào mặt bỏng rát, chị Phiên vội dắt con vào một quán nhỏ ven đường, gọi cho con bát bún còn chị lại lôi gói xôi ra ăn. Con bé mệt, mẹ dỗ mãi mới ăn được vài miếng rồi lại lếch thếch cùng mẹ bắt xe bus tới viện Nhi TW. Khám, lấy thuốc xong thì đã hơn 3h chiều, hai mẹ con chẳng thể tìm được chuyến xe nào về nhà được nữa. Tay ôm túi đựng bọc thuốc của con, tay bế con, chị đưa con về “nơi nghỉ chân bình yên”…

Nơi nghỉ chân bình yên…

Mái ấm tình thân của Hội LHPN Việt Nam đã trở thành chốn nghỉ chân qua đêm yên ổn trong hành trình dài của mẹ con chị trong gần 4 năm qua. Dù đã muộn nhưng bác sĩ Huệ và chị cán bộ của Mái ấm vẫn ở lại đón tiếp và sắp xếp nơi ở, đồ dùng cho mẹ con chị. Như mọi lần, sữa cho bé Niềm, đồ ăn 2 bữa tối và sáng, nước nóng, chăn màn cũng được chuẩn bị chu đáo từ trước. Nhận gói mì tôm từ cán bộ Mái ấm, chị Phiên quay sang nói với con: "Tối nay mẹ pha mì tôm cho con ăn nhé". Con bé gật đầu ngay lập tức, ánh mắt sáng lên nhìn chằm chằm vào gói mì. Chị kể, hàng ngày bữa cơm của hai mẹ con chỉ có cơm trắng và rau nhà trồng, có khi cả tháng trời chị mới dám mua một vài lạng thịt. Chị chia sẻ trong nghẹn ngào: "Tôi rất muốn để dành tiền phòng những lúc khó khăn nhưng lực bất tòng tâm". Sức khỏe yếu cộng với việc phải chăm sóc bé Niềm nên chị cố gắng lắm mới làm hết được 3 sào nương rẫy, đủ ngô và lúa ăn. Năm trước chị có nuôi được đàn gà để có trứng làm thức ăn cho con nhưng bé Niềm chưa được ăn quả trứng nào thì gà đã chết vì dịch bệnh. Chị có vay tiền để nuôi lợn nhưng sau một đợt ốm của con, số vốn ấy cũng chẳng còn. Mỗi tháng hai mẹ con chị được trợ cấp từ chính quyền địa phương 270.000 đồng/người, số tiền chỉ gần đủ tiền xe lên Hà Nội. Nhà trọ qua đêm, ăn uống mỗi lần lên khám lấy thuốc đều phải nhờ hết vào Mái ấm. Chị chia sẻ, nhiều khi biết Mái ấm có hoạt động tập huấn cho những người nhiễm HIV/bị ảnh hưởng bởi HIV nhưng chị không thể tham gia được, một phần là không có người trông con, một phần là không lo được kinh phí đi lại vì quá xa. Đến Mái ấm lần này đúng dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, hai mẹ con chị thật vui vì không những được chăm sóc, được bình yên nghỉ ngơi, được gặp gỡ, trò chuyện, biết thêm các kiến thức về HIV mà còn được nhận quà từ Mái ấm.

Hai mẹ con chị Phiên chỉ là một trong nhiều trường hợp được Mái ấm tình thân trợ giúp trong thời gian qua. Mái ấm là mô hình điểm của Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV” do Cơ quan phát triển quốc tế của Australia (AusAID) tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống AIDS và chăm sóc SKSS (WARC), Hội LHPN Việt Nam triển khai. Từ khi thành lập năm 2009, Mái ấm đã trợ giúp được hàng nghìn người có HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nhiều trường hợp đã chuyển sang giai đoạn nhiễm trùng cơ hội nặng phải lên Hà Nội cấp cứu, chữa trị; nhiều khách hàng là dân tộc thiểu số đến từ các nơi rất xa như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, có những người rất nghèo, khó khăn... Tại đây, họ được tiếp cận chuyển gửi đến dịch vụ y tế, xã hội, pháp lý; được tư vấn kiến thức về HIV như chăm sóc trẻ em có HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, tư vấn trước và sau xét nghiệm tự nguyện (có hành vi nguy cơ), dự phòng lây truyền từ mẹ sang con...; được cung cấp dịch vụ nghỉ đêm miễn phí cho phụ nữ và trẻ em khi đến Hà Nộikhám, xét nghiệm, lấy thuốc ARV... ; được hỗ trợ dinh dưỡng; truyền thông nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị cho cộng đồng...

Mặc dù hoạt động hiệu quả, có ý nghĩa lớn lao đối với cộng đồng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV nhưng từ năm 2012 đến nay, khi Dự án hỗ trợ của AusAID kết thúc, Mái ấm tình thân hoạt động trong tình trạng hết sức khó khăn. Các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, truyền thông cộng đồng đã bị thu hẹp lại, các kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, tư vấn tâm lý cho người có HIV hòa nhập cộng đồng cũng phải tạm dừng. Phụ trách Mái ấm, bác sĩ Huệ cho biết: Phải rất tích cực vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội như Quỹ Unilever hỗ trợ ngân sách, sản phẩm, Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông vì sự phát triển bền vững (CSD) nâng cao năng lực cho khách hàng... Mái ấm mới có thể duy trì hoạt động đến ngày nay. Do nguồn kinh phí eo hẹp nên Mái ấm chỉ có thể hỗ trợ được đối với những khách hàng đặc biệt khó khăn; năm 2012, Mái ấm tiếp cận và chuyển gửi 228 lượt khách hàng tới các dịch vụ cần thiết, tư vấn kiến thức được 192 trường hợp, sắp xếp nơi nghỉ đêm cho 81 lượt khách. Trong khi đó, rất nhiều các nhóm, các cá nhân bị nhiễm HIV/bị ảnh hưởng bởi HIV bày tỏ mong muốn duy trì Mái ấm tình thân để giúp họ giảm bớt những khó khăn khi lên Hà Nội tiếp cận với các dịch vụ liên quan tới HIV.

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Phạm Hồng Diên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video