* Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

18/05/2006
* Vốn ODA - vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm

Trong các ngày 17,18/5/2006, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010; báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2005, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2006; các vấn đề chăm sóc sức khoẻ nhân dân; vấn đề quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc sử dụng vốn ODA và nạn tham nhũng đang được nhiều đại biểu quan tâm.

 

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân: nhiều đại biểu cho rằng, Ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng dịch, nâng cao sức khỏe người dân bằng đầu tư các thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào khám chữa bệnh, như ghép gan, thận; đầu tư cho khám chữa bệnh cho người nghèo, nhưng vấn đề quá tải trong các bệnh viện đang là thách thức lớn… Vấn đề đầu tư cho Ngành y học cổ truyền chưa được nhiều, chưa cân xứng. Hiện nay ngành y học cổ truyền đang có dấu hiệu bị mai một, cơ sở vật chất eo hẹp, nên phát triển y học cổ truyền là vấn đề cần quan tâm đặc biệt. Trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), cần có những giải pháp thiết thực để phát triển nền y học cổ truyền.

 

Vấn đề qui hoạch nông nghiệp nông thôn, các đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình); Nguyễn Đức Triều (Cà Mau); Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) có ý kiến việc kiểm soát, sử dụng đất chưa hợp lý trong trồng lúa ngày càng tăng, do giá trị kinh tế không cao nên người dân đã chuyển thêm sang nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn …Đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi cho người trồng lúa, mặt khác tạo công việc cho lao động nông thôn để họ yên tâm sản xuất, có như vậy mới bảo đảm về an ninh lương thực…

 

Về vấn đề quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, theo nhiều đại biểu, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện cơ chế theo dõi đánh giá việc sử dụng vốn ODA. Tuy nhiên trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án dùng vốn ODA của các cấp, các ngành, địa phương vẫn còn nhiều thiếu sót. Tình trạng buông lỏng dẫn đến những sai sót trong quản lý kế hoạch đầu tư và xây dựng, thể hiện ở tất các khâu đã gây hậu quả xấu và đó là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc tiêu cực, tham nhũnglớn xảy ra trong thời gian vừa qua. Việc giải ngân các khoản vay nước ngoài nhiều năm nay đạt thấp, năm cao cũng chỉ đạt trên 80%. Việc thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn vốn ODA không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng các công trình mà còn tác động xấu đến môi trường đầu tư và thực hiện cam kết của các nhà tài trợ đối với Việt Nam.

 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Hiện nay chúng ta bắt đầu phải trả lãi ODA mỗi năm khoảng 2 tỷ USD và ngày càng phải trả lãi nhiều hơn nữa. Tiền vay ODA phải được quản lý chặt chẽ vào các mục tiêu xây dựng tiềm lực cho đất nước, trong đó có tiềm lực khoa học và công nghệ. Không thể tiếp tục có những sự đục khoét tiền bạc của nhân dân, của nhà nước, của tiền đi vay để đánh bạc và tiêu sài xa hoa như ở PMU 18”.

 

Đại biểu Tào Hữu Phùng cho rằng, những sai phạm xảy ra về quản lý, sử dụng vốn ODA vừa qua là trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Chính phủ được phân công trách nhiệm quản lý nguồn vốn này đồng thời đề nghị đã đến lúc QH dành nhiều thời gian xem xét và xử lý nghiêm minh, quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý những sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn ODA, để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và làm mất uy tín của VN đối với nhà tài trợ vốn ODA.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân -Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH - bày tỏ: Vốn ODA thực chất là ngân sách nhà nước, khoản ngân sách này có được là từ việc đi vay của nước ngoài, tất nhiên với lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài. Nhưng, đã vay là phải có trả, nếu chúng ta sử dụng không hiệu quả, thì đời con, đời cháu phải nai lưng ra làm mà trả nợ.  Để xảy ra thất thoát, tham nhũng nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn ODA, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Bộ Tài chính là khá rõ ràng, chứ không thể đổ lỗi cho tập thể được.

 

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, để có cơ chế quản lý vốn hiệu quả, các bộ, ngành không nên đổ lỗi cho nhau và khi đã nhận thấy yếu kém, bất cập thì phải có giải pháp khắc phục, không chỉ xin lỗi rồi để đó.

Trung tâm Thông tin (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video