“Đi tìm kẻ thù, gặp những người bạn”

31/03/2005
Đó là tựa đề một bài báo của bà Barbara Gluck, nguyên phóng viên Thời báo New York (Hoa Kỳ) ở Việt Nam thời kỳ 1969-1973.

Tại Hội thảo “Báo chí và Phát triển”, bà B.Gluck đã có một bài tham luận độc đáo bằng cách kể về xuất xứ của bài báo ấy. Bà nói, “những sự kiện của cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời tôi”.

 

“… Tôi sang Việt Nam vào năm 1969 với tư cách phóng viên ảnh của Thời báo New York. Nhiệm vụ Ban Biên tập giao là đưa tin về những hoạt động của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến việc phải phản ánh về những mất mát đau thương của cả hai phía.

 

Lăn lộn trong thực tế cuộc chiến khiến tôi càng nung nấu quyết tâm phải tìm hiểu cả về phía bên kia -Việt Cộng. Tôi đã kiên trì đề nghị và thuyết phục Ban Biên tập. Nhiều người cho tôi là một kẻ điên rồ. Nhưng, tôi không nản.

 

Tháng 4/1973, tôi cùng chồng -Joseph Treaster, cũng là phóng viên Thời báo New York và một người phiên dịch là Việt kiều ở Pháp bắt đầu chuyến đi tới “một làng Việt Cộng”. Chúng tôi tới vùng nam Mỹ Tho (tỉnh Kiến Hoà cũ) nhờ một người lái đò đưa đến… “làng Việt Cộng”. Sau một hồi đắn đo, ông ta đồng ý.

 

Sau 15 phút đi trên sông rạch, ông ta đưa chúng tôi đến một ngôi làng và bảo đó là “làng Việt Cộng”. Không khỏi đắn đo, lo sợ nhưng chúng tôi vẫn đi sâu vào làng. Nỗi khao khát muốn “tìm hiểu Việt Cộng để có một bài báo chân thực” thúc giục chúng tôi.

 

Đang đi, bỗng một nhóm người có vũ trang bất thình lình hiện ra từ bụi rậm. Quả thật, thoạt đầu chúng tôi đều hết sức kinh hãi. Nhưng sau phút hoảng hốt, tôi trấn an mọi người: “Đừng sợ, họ đâu có chĩa súng vào chúng ta!”. Lúc này anh phiên dịch mới nói: “Đây là những phóng viên. Họ muốn tìm hiểu thực tế từ phía các ông”.

 

Nhóm người đeo súng thay đổi ngay thái độ. Họ chỉ cho chúng tôi vào gốc cây tránh nắng để hỏi han thêm. Một người còn leo lên cây hái dừa mời chúng tôi uống. Thái độ thân thiện của họ đã để lại cho chúng tôi ấn tượng ban đầu hết sức tốt đẹp.

 

Chúng tôi được tự do thâm nhập trong “làng Việt Cộng”. Mọi người dân đều sẵn sàng nói những gì chúng tôi muốn biết. Đặc biệt, bọn trẻ rất quấn quýt với tôi. Bởi đây là lần đầu tiên chúng thấy một phụ nữ nước ngoài đến để hỏi han cuộc sống của cha mẹ các em và bản thân các em.

 

Tối hôm đó, chúng tôi được gặp một cán bộ cao cấp của Việt Cộng. Cuộc trò chuyện  đã làm cho chúng tôi hiểu nhiều hơn về phía bên kia, về “kẻ thù” -như nhiều người Mỹ, hay bản thân tôi, trước đó đã nghĩ.

 

Chuyến đi thật ấn tượng. Sau đó, bài phóng sự được đặt trên trang nhất và in trọn trong trang 2 của tờ Thời báo New York. Bài báo đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về Việt Nam. Bởi trước đó, họ chỉ biết những về “kẻ thù” qua những thông tin từ phía Chính phủ Mỹ.

 

Tôi muốn nhấn mạnh từ cuộc Hội thảo này: báo chí có sức mạnh làm thay đổi nhận thức của người dân. Cũng như qua bài báo của tôi, người dân Mỹ thấy được: Việt Cộng cũng là những con người chứ không phải là kẻ thù.

 

Vì vậy là những nhà báo vì sự phát triển chúng ta hãy thể hiện sao cho người dân biết về sự thật và đưa tin phải công bằng, khách quan. Tôi muốn trở lại “làng Việt Cộng” năm xưa, nhưng không còn nhớ rõ về tên của ngôi làng ấy.

Theo báo Tiền Phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video