"8X" thu tiền tỷ từ mô hình nuôi lợn VietGAP

01/08/2020
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, những năm qua, trên địa bàn huyện Tam Đảo đã có nhiều đảng viên đi đầu trong chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, mang lại thu nhập cao, điển hình như đảng viên Nguyễn Thị Thúy, thôn Lưu Quang, xã Minh Quang. Nhờ sự năng động, nhạy bén, phát triển mô hình trang trại nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy thu nhập hàng tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Lưu Quang, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo thành công với mô hình nuôi lợn VietGAP, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế.

Thăm quan mô hình trang trại nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Thúy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang của vợ chồng chị. Trang trại của chị nằm ở thôn Cam Lâm trước đây vốn là vùng đất cằn cỗi, khó canh tác, nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, nhưng đến nay được vợ chồng chị quy hoạch, đầu tư chuyển đổi sang khu trang trại nuôi lợn với quy mô lớn.

Cả khuôn viên vườn cây, trang trại nuôi lợn, ao cá, nhà ở với tổng diện tích hơn 4ha đều được xây dựng, quy hoạch khá khang trang, sạch sẽ, khoa học. Nếu như không được giới thiệu, có lẽ chúng tôi cũng không biết gia đình chị đang nuôi tới hơn 200 con lợn nái, 1.000 con lợn bột thương phẩm chuẩn bị xuất chuồng, bởi diện tích quy mô chuồng trại được chị xây dựng thoáng đãng, tách biệt với dãy nhà ở của gia đình, khác hẳn với nhiều hộ chăn nuôi khác mà chúng tôi từng biết.

Rót chén nước trà mời khách, chị Thúy bắt đầu câu chuyện của một cử nhân trường báo bén duyên với mô hình nuôi lợn siêu nạc. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, năm 2009, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chị Thúy xây dựng gia đình, theo chồng về sống tại xã Minh Quang (Tam Đảo).

Thay vì tìm một công việc với tấm bằng cử nhân, chị chọn con đường riêng cho mình bằng việc ở nhà chăm sóc các con, giúp chồng yên tâm công tác xã hội. Từ đây, chị đã mạnh dạn học hỏi, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình.

Chị Thúy cho biết, bấy giờ vợ chồng chị mới ra ở riêng, kinh tế khó khăn, chị bàn với chồng tận dụng diện tích đất của gia đình để nuôi thêm lợn. Lúc đầu, chị cũng chỉ nghĩ nuôi vài con lợn để cải thiện thu nhập, nhưng dần dần mở rộng quy mô nuôi lợn.

Ban đầu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi chưa có, thỉnh thoảng đàn lợn lại bị dịch bệnh, bao công sức chăm sóc cả mấy tháng trời của chị mất trắng. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chị nản chí, tìm hiểu thấy nhiều nơi, bà con nông dân làm giàu được từ nuôi lợn, càng khiến chị thêm say mê với mô hình chăn nuôi.

Chị quyết định đi học hết mô hình nuôi lợn này đến mô hình nuôi lợn khác và tích cực tìm hiểu qua sách báo, ti vi để có kinh nghiệm. Chị bàn với chồng vay vốn ngân hàng, đầu tư một hệ thống chuồng trại với quy mô lớn để nuôi lợn.

Xác định khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nên chị tính đến phương án lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu, từ 10 con lợn nái, 100 lợn bột thịt, từ nguồn giống tự cung, tự cấp được chị nhân giống đàn lợn với quy mô lớn theo mô hình khép kín.

Theo chị, ngoài yếu tố chọn giống lợn tốt thì phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, cách ly và phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt, có như vậy, lợn mới ít bị dịch bệnh, phát triển tốt.

Sau khi xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo quy trình VietGAP, với 5 dãy chuồng trại, gia đình chị luôn duy phát triển đàn lợn với quy mô ổn định. Chỉ riêng với việc nuôi hơn 200 con lợn nái, từ đầu năm 2020 đến nay, chị Thúy xuất bán ra thị trường hơn 500 lợn con giống với giá bán 3,5 triệu đồng/con; ngoài ra còn có hơn 1.000 con lợn thương phẩm chuẩn bị xuất chuồng.

Với giá lợn hiện nay, trừ chi phí, 6 tháng đầu năm 2020, gia đình chị Thúy thu nhập 4 - 5 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 10 công nhân lao động với thu nhập trung bình 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Nhận định nuôi lợn với số lượng quy mô lớn, đồng nghĩa sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, ngay từ đầu, chị Thúy đã đầu tư xây dựng hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

Chị Thúy chia sẻ: “Thời gian qua, ngoài được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hiện nay, trang trại lợn của gia đình chị được Nhà nước quan tâm hỗ trợ máy ép phân để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó, gia đình tận dụng nguồn phân ép khô để trồng cây”.

Ngoài phát triển mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap, tận dụng một phần diện tích đất trang trại, chị Thúy đào hơn 2 mẫu ao để thả cá, nuôi ếch, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng...

Không chỉ năng động phát triển kinh tế gia đình, là đảng viên ở chi bộ, hội viên Chi hội phụ nữ, Hội Nông dân xã Minh Quang, chị Nguyễn Thị Thúy luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của thôn, các hội đoàn thể. Chị thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi cho các hội viên khác phát triển kinh tế gia đình...

baovinhphuc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video