“Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”

26/06/2020
Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 26/6/2020 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa, nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân làm áo dài…
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (thứ 3 trái ảnh sang) cùng nhà thiết kế Áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam (giữa ảnh) và các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo nhằm nhận diện, đánh giá về giá trị, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam, là diễn đàn để các chuyên gia nhận diện về cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa của tập quán mặc áo dài và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại; Là căn cứ quan trọng để góp phần xây dựng hồ sơ đưa các giá trị Áo dài vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; Đồng thời tạo hiệu ứng lan toả trong giới văn hoá nghệ thuật cũng như hiệu quả tác động đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Chương trình khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa khẳng định, Áo dài là di sản quý giá mà tiền nhân để lại cho chúng ta, là trang phục tôn vinh văn hóa truyền thống và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, Áo dài là một phần không thể thiếu trong di sản văn hoá Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Bùi Thị Hòa phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội cho biết, thời gian qua, một số địa phương đã có rất nhiều nỗ lực tôn vinh giá trị Áo dài. Trong các kỳ Festival Huế, Lễ hội áo dài là một trong những chương trình chính thức với các bộ sưu tập áo dài mang dáng vẻ từ truyền thống đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú, đa dạng… Tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nay, Lễ hội áo dài được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hàng năm với nhiều hoạt động phong phú như Chương trình “Áo dài tặng bạn”  trao tặng 10.000 chiếc áo dài mỗi năm cho hội viên, phụ nữ khó khăn. Chương trình “Đồng diễn áo dài” đã thu hút trên 4.000 hội viên tham gia v.v.

Năm 2020, Hội LHPN Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề “Áo dài – Di sản Văn hoá Việt Nam” nhằm khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của Áo dài trong đời sống đương đại; khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam.

Trong tuần đầu của tháng 3 vừa qua, các cấp Hội LHPN cả nước đã tổ chức các cuộc thi ảnh Áo dài online, hình thành các trang mạng xã hội chia sẻ vẻ đẹp của Áo dài Việt Nam, tổ chức đồng diễn Áo dài v.v. TW Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với CLB Áo dài phát động một cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt Nam” và vào ngày 28/6, Hội sẽ tổ chức một cuộc trình diễn Áo dài với các bộ sưu tập gắn với 20 di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ, nét đặc trưng của Áo dài được thể hiện ở tính phổ cập của nó trong đời sống xã hội, trong các tầng lớp nhân dân: từ nhà giáo, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, người mẫu thời trang, cho tới các diễn viên, ca sĩ... thường sử dụng. Áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Người ta có thể mặc áo dài trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau: đi học, đi làm, đi chơi, đi chùa, đi lễ nhà thờ, dự tiệc hay diện vào các dịp lễ Tết cổ truyền, tham gia các sự kiện văn hóa - xã hội quan trọng. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam báo cáo đề dẫn Hội thảo

Không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, Áo dài còn chứa đựng cả một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Bộ Từ điển Bách khoa thư nổi tiếng của Việt Nam dành một mục viết riêng về Áo dài Việt Nam. Các trang từ điển quốc tế nổi tiếng có hàng chục triệu người dùng như Wikipedia.org; Definitions.net; Dictionary.com; Collinsdictionary.com; Merriam-webster.com; Yourdictionary.com… cũng đều đã có mục định nghĩa về Áo dài Việt Nam. Điều đó cho thấy chiếc Áo dài Việt Nam đang ngày càng phổ biến trên thế giới và được nhiều người biết đến.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, dù nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định Áo dài là “quốc phục” Việt Nam, nhưng từ lâu nay nó đã được đa số nhân dân mặc định là “Áo dài dân tộc” hay “Trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà thiết kế thời trang và các nghệ nhân làm áo dài trình bày và thảo luận những vấn đề về lịch sử, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật của trang phục Áo dài Việt Nam. Với 44 tác giả đã gửi bài tham luận tới Hội thảo, các đại biểu tham gia Hội thảo đã chia thành 4 tiểu ban thảo luận tập trung làm rõ 4 chủ đề: Lịch sử phát triển của Áo dài Việt Nam; Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của của áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hoá và biểu tượng của Áo dài Việt Nam cùng với đó là những tập quán liên quan đến trang phục áo dài Việt Nam; Nghiên cứu về sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thiết kế và cắt may áo dài; cộng đồng của trang phục áo dài: làng nghề may áo dài, nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang, nhà may, những người liên quan đến trình diễn thời trang, quảng bá áo dài; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả thảo luận, Hội thảo sẽ đưa ra những đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của trang phục Áo dài, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của Áo dài, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Kết quả Hội thảo cũng là những cứ liệu quan trọng cho quá trình lập hồ sơ áo dài đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và là các chất liệu để tuyên truyền, quảng bá nâng cao lòng tự hào, ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

- Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết (thứ 5, phải ảnh sang) chụp ảnh với Áo dài dưới chân tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam:

        

- Các đại biểu tham gia Hội thảo:

- TS.Dương Thị Kim Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội với tham luận Những cuộc cách tân và trình diễn thời trang Áo dài Việt Nam thế kỷ XX:

- Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Đình làng Việt Nam Đinh Hồng Cường với tham luận về Áo dài nam ngũ thân truyền thống:

- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa chụp ảnh với NTK Áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam:

- Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo:

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video