“Bến không chồng” Tĩnh Yên

07/07/2007
Thôn Tĩnh Yên ở tả ngạn Thu Bồn, thuộc xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Nơi đây có 33 phụ nữ không chồng mà có con nên người ta gọi là... “bến không chồng”.

Những phụ nữ đơn thân ở Tĩnh Yên lủi thủi làm nghề sông nước để nuôi con ăn học, nên cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Một mình “vượt cạn”!

Bà Trần Thị Chín ở Khe Cát, Tĩnh Yên (Duy Thu-Duy Xuyên) cười buồn: “Hồi mới sinh con khó khăn lắm, được mấy ngày phải dậy thổi lửa tự nấu ăn, giặt giũ, hơ háp cho con. Khi sinh cháu, tôi bị tắc tuyến sữa phải cho bú nhờ cô hàng xóm”. Chuyện “vượt cạn” và một mình nuôi con 23 năm qua của bà Chín rất vất vả, có lúc tưởng không vượt qua nổi bởi lời dị nghị của người đời. Bây giờ, con trai bà đang học năm thứ 3 Trường Đại học Bách khoa TP Đà Nẵng. Bà Chín cho là mình may mắn, vì con không ở với cha nhưng chăm ngoan, biết thương mẹ; nhà cửa tuy nhỏ nhưng cũng có chỗ ở ổn định so với những gia đình phụ nữ đơn thân khác.

Cuộc đời của những người phụ nữ đơn thân ở Tĩnh Yên như con thuyền lênh đênh sóng nước. Với chị Phạm Thị Nỗng, một mái ấm theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen cũng không có. Chị Nỗng năm nay đã bước sang tuổi 48. Con thuyền nhỏ ngày ngày trôi nổi trên mặt nước Thu Bồn vừa là phương tiện kiếm sống vừa là “nhà” của chị. Mỗi ngày rong ruổi sông nước như thế được khoảng 7.000-8.000 đồng. Tằn tiện lắm cũng chỉ đắp đổi qua ngày.

Cách đây 6 năm, chị là người phụ nữ không chồng mà có con. Bố của đứa bé là ai chỉ riêng mình chị biết. Còn chị Phạm Thị Rân hiện có mẹ già 82 tuổi và đứa con đang học lớp 1. Một đêm mưa gió mùa lũ cách đây 3 năm, chị loay hoay rót dầu vào đèn chẳng may bị phỏng nặng. Vết phỏng còn hằn sâu trên gương mặt. Trong số 33 phụ nữ đơn thân này có 7 người “vượt cạn” 2 lần. Họ vừa là chủ hộ, vừa làm mẹ, làm “cha” trụ cột trong gia đình. Ngôi nhà không có đàn ông thì mọi khó khăn trong cuộc sống người phụ nữ phải đảm đương.

Câu lạc bộ “Phụ nữ đơn thân”

Tháng 3-2001, CLB “Phụ nữ đơn thân” Tĩnh Yên ra đời với sự tham gia của 33 phụ nữ đơn thân trong thôn. Đây là “mái nhà chung” của những người đồng cảnh ngộ. Có chị mới ngoài 35 tuổi nhưng cũng có người đã gần 60. Hầu hết các chị đều có hoàn cảnh như nhau: mẹ già, con mọn, nhà cửa tạm bợ và điều kiện kinh tế gia đình khá bấp bênh. Họ ngồi lại với nhau để chia sẻ những buồn vui, kiến thức nuôi dạy con cái và góp vốn quay vòng giúp nhau bươn chải. Bà Trần Thị Chín, Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ đơn thân” thôn Tĩnh Yên, cho biết: “Chị em có cùng hoàn cảnh nên dễ thông cảm nhau hơn. Mỗi tháng, chị em góp vào quỹ quay vòng 2.000 đồng/người. Nhờ vậy chị em có điều kiện để mua con heo, nuôi con gà cải thiện đời sống gia đình”.

Các chị Trần Thị Chín, Phạm Thị Ba, Lê Thị Lộc, Phạm Thị Rân, Nguyễn Thị Hoa, Phạm Thị Hải được bà con trong thôn giúp của góp công dựng nhà ở trên bờ. Địa phương cấp cho các chị đất ruộng và đất trồng hoa màu ven sông. Chị Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Duy Thu, cho biết: “Ngoài việc duy trì sinh hoạt định kỳ, các chị em trong CLB “Phụ nữ đơn thân” cũng được Hội Phụ nữ tín chấp cho vay vốn, mỗi gia đình được vay 1-2 triệu đồng để chăn nuôi. Dù còn khó khăn nhưng hầu hết các chị đều chăm lo cho con cái ăn học”. Theo UBND xã Duy Thu, giải quyết nhà ở cho số gia đình phụ nữ đơn thân còn lại cũng khó khăn vì ngân sách hạn chế; họ vốn quen nghề sông nước như chài lưới, xúc cát, sạn... nên khó thích hợp với việc gieo cấy như những gia đình nông dân trong thôn.

Những phụ nữ đơn thân ở “bến không chồng” Tĩnh Yên dường như cũng đã quen với cuộc sống đơn thân của mình. Bây giờ họ sống cho con, tần tảo sớm hôm cũng là vì con.

Theo NLĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video