“Bông hồng thép” đất Tây Đô

21/06/2018
Bà Hồng Quân tên thật là Đào Thị Huyền Nga. Mới tám tháng tuổi, mẹ đã cho Huyền Nga cai sữa, gửi ngoại trông nom để đi hoạt động cách mạng.

Năm lên 3 tuổi, Huyền Nga được mẹ đón về và gửi khắp các nhà dân ở quê. Ở nhờ thì phải tham gia làm việc nên 6 tuổi, Nga đã sàng được vỏ thóc, 7 tuổi biết chèo ghe bơi xuồng, giã gạo bằng chày ba, mò cua, bắt cá... Nhờ nhanh nhẹn và tháo vát, chú Bảy An xin mẹ cho Huyền Nga thoát ly đi theo các chú làm liên lạc.

Bà nhớ lại: “Khi được 8 tuổi, tôi tham gia đội văn nghệ do anh Tâm phụ trách. Mỗi đêm diễn về khuya, những lúc mệt mỏi và buồn ngủ, tôi được anh cõng trên lưng. Một hôm anh Tâm tập trung đội văn nghệ và cho biết, anh chuẩn bị tập kết ra Bắc và hẹn hai năm sau sẽ trở lại. Anh mong chúng tôi ngoan, giỏi hơn để hai năm nữa Bác Hồ vào đây thì ai cũng được gặp Người”.

Nhưng đâu có ngờ, chỉ vài ngày sau anh Tâm bị giặc bắt. Lần đó là lần cuối Huyền Nga gặp anh Tâm. Anh bị trói gập tay và chỉ mặc độc cái quần cụt. Bọn giặc bảo anh: “Mày đả đảo Hồ Chí Minh, hoan hô Ngô Đình Diệm đi thì được mở dây trói và về với cuộc sống. Mày hô khẩu hiệu đi”-giặc hét lên. “Đả đảo Ngô Đình Diệm, hoan hô Hồ Chí Minh!”-anh Tâm dõng dạc hô. Tiếng hô vừa dứt, một tên giặc lao tới đâm một nhát dao găm vào thóp bụng anh kéo xuống một đường. Những tên địch khác nhào đến đâm chém anh. Huyền Nga chứng kiến cảnh tượng đau lòng, trào dâng những cảm xúc khó tả, vừa đau xót, vừa căm hờn…

Chứng kiến cái chết của anh Tâm, Huyền Nga càng hiểu rõ thế nào là chiến tranh và tội ác. Huyền Nga bỏ học vì “nếu khi địch đến mà mình đi học thì không có ai báo cho các chú, các bác”. Bà nhớ lại “Để tiếp tế lương thực, mùa khô thì tôi nặn các hòn bi bằng đất mà trẻ em hay chơi, mùa mưa thì bẻ nhánh cây để ở chỗ hẹn. Bao nhiêu hòn bi, bao nhiêu nhánh cây là bấy nhiêu phần cơm cần cho các chú, các bác đang ẩn dưới hầm bí mật. Lúc chuyển thư thì mang theo cái đục và gáo dừa dùi 3 lỗ, có cây dao, có dây tòng teng để đeo vào vai làm như đang đi câu cá. Cây trúc cưa gần chỗ mắt. Lấy thư cuốn lại bỏ vô đoạn trúc, chọn chỗ nào có đất dẻo ấn xuống để bịt lỗ, khi đến nơi thì lấy dao lăn cho giập và chẻ trúc lấy thư ra...”

Nhờ có Huyền Nga, sợi dây thông tin được kết nối thường xuyên. Lực lượng cách mạng đã tổ chức thành công nhiều cuộc đấu tranh chính trị, biểu tình, công tác địch vận. Sau đó, Huyền Nga được tổ chức giao nhiệm vụ khắc mõ lệnh và điểm giờ để đồng khởi. Ngày 14-9-1960, tiếng trống, tiếng mõ rợp trời, sau ba ngày bức rút địch ở đồn Phú Trung, xã Phú Thứ để nối liền giao thông 6 xã.

Năm 1960, Huyền Nga được kết nạp vào Đoàn, được giao nhiệm vụ là du kích mật, tham gia trấn áp bọn tề ác ôn, bọn phản cách mạng. “Hồi đó đánh giặc vui lắm”-bà Huyền Nga nói. Bà còn làm bài thơ chống càn: Giặc càn tàn sát ruộng vườn/ Du kích ẩn hiện góc mương, bờ rào/ Giặc vô đất mở chiến hào/ Đạp vô lựu đạn, hầm chông, bãi mìn/ Chống càn ẩn hiện địa hình/ Dân trực diện chặn mũi quân truy lùng/ Du kích nhân dân đồng lòng/ Cạn canh cấp báo bố phòng giải vây. Đọc xong bài thơ, bà cho biết thêm: “Cũng trong năm ấy, mặc dù biết tôi mới chỉ 15 tuổi nhưng các chú, các bác đều thống nhất kết nạp Đảng cho tôi. Cái tên Hồng Quân cũng là được các chú, các bác đặt để hoạt động cách mạng”.

Một thời gian sau, Huyền Nga được giao đảm nhiệm cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động nữ Sài Gòn-Gia Định, biệt danh Lê Thị Riêng. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà bị thương và bị địch bắt. Chúng tra tấn bà dã man mà không khai thác được thông tin. Đến năm 1974, bà được địch trao trả tại sân bay Lộc Ninh.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video