“Chị phụ nữ”

02/03/2020
Theo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam quy định, chi hội trưởng phụ nữ không phải là cán bộ Hội. Nhưng theo cách gọi quen thuộc của cộng đồng, các chị là “cán bộ phụ nữ” mà thân thương nhất, các chị được gọi là “CHỊ PHỤ NỮ”.
Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Long An thăm, tặng quà em Lê Thị Thùy Dung có hoàn cảnh khó khăn (Nguồn ảnh: http://baolongan.vn/)

Các chị không có lương, không có đào tạo chuyên ngành về công tác giới, công tác xã hội, nhiều chị học vừa hết phổ thông, có một số chị còn chưa hết phổ thông.

Các chị có chung lòng nhiệt huyết, chịu thương chịu khó, tự tin tự trọng, thương yêu mọi người, nhất là các hoàn cảnh khó khăn. Qua thực tiễn từng lúc, từng nơi, từng trường hợp cụ thể, các chị tự trau dồi kỹ năng tiếp cận cộng đồng, và trở thành bạn của những hoàn cảnh phụ nữ khó khăn nhất trong xóm ấp về vật chất lẫn tinh thần.

Chi hội trưởng là cầu nối gần nhất của Đảng với dân về việc tuyên truyền Nghị quyết của Đảng vào đời sống, lắng nghe tâm tư chị em và cộng đồng.

Chi Hội trưởng tổ chức sinh hoạt không hội trường, mà ngay cái bàn trà nhà mình hay nhà chị em nào đó trong xóm. Các chị bàn từ việc nhỏ nhất là vận dộng trẻ đi uống vắc xin đến việc hiến đất, làm đường, xây “Mái ấm tình thương” cho hội viên, phụ nữ khó khăn… Những việc mà không ít người cho là “bao đồng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì các chị nhận về mình: quét đường, trồng cây, lượm cỏ, phân loại rác, bán ve chai tạo quỹ khuyến học… Và hiện nay, các chị đang là một trong những người hăng hái, tận lực  trong tuyên truyền, vận động phụ nữ, người dân tham gia phòng, tránh dịch Covid – 19 tại địa bàn.

Trong công việc, các chị luôn tận tâm, nhiệt tình,  luôn gần gũi, lắng nghe, kịp thời động viên, hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của chị em, tích cực vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội. Hầu hết các chi hội đều có cách làm riêng để huy động sự tiết kiệm, giúp nhau khuyến học, mua sắm vật dụng gia đình, góp vốn xoay vòng giúp chị em khó khăn vay để phát triển kinh tế…

Nhiều chị chi hội trưởng còn tham gia tổ hoà giải, gia đình các chị trở thành “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Các chị có cách riêng của mình để nắm bắt thông tin, tiếp cận, chia sẻ, động viên, phân tích để đối tượng hiểu được đúng, sai, phải, trái từ đó nhiều gia đình tránh được đổ vỡ, nhiều chị em vượt qua được áp lực tinh thần để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, nhiều trẻ em tiếp tục được đến trường.

Sự hiện diện của các chị trên nhiều mặt trận từ xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cảm hóa người tại cộng đồng… Vất vả có, niềm vui có… Và sau tất cả những “được – mất” đó, hầu hết các chị chi hội trưởng đều thấy mình được nhiều: tình yêu thương của cộng đồng, được hiểu biết pháp luật, được chăm lo cho người khó khăn, được làm phước, được khẳng định tình yêu quê hương của mình, của chồng mình…

                                                   

Nguyễn Thụy Thắm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video