“Chiếc cần câu” giúp chị em xóa đói giảm nghèo bền vững

27/05/2021
Với nguồn vốn vay từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn Hà Nội đã chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm được nhiều việc làm mới ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
Vốn vay giải quyết việc làm là chiếc cần câu giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững. Ảnh minh họa

Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để làm nghề mộc. Với kinh nghiệm làm nghề truyền thống sẵn có, cộng với nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình chị Thơm đã mua thêm gỗ và mở rộng nhà xưởng. Tiếp cận được nguồn vốn của chính sách mở ra cơ hội để chị đầu tư để phát triển  kinh tế cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho anh em thợ. Hiện nay, gia đình chị có thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.

Chị Nguyễn Thị Thơm cho biết: Với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ như gia đình chị, gói vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vốn vay phù hợp, lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn và không phải thế chấp nên người dân được tạo nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế.

50 triệu đồng cũng là số vốn chị Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) được vay để mở rộng cơ sở may đo theo quy mô hộ gia đình. Chị Thủy cho biết, ngay khi muốn mở rộng sản xuất, chị đã tìm đến rất nhiều nguồn vốn vay, nhưng chưa tìm được nguồn vốn phù hợp. Qua tìm hiểu, chị biết đến nguồn vốn vay từ quỹ và quyết định vay 50 triệu đồng mua thêm máy móc, mở rộng sản xuất. Với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn, chính sách tín dụng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho xưởng may của chị hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 15 lao động là chị em phụ nữ cùng xóm, với mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng.

Đây chỉ là 2 trong hàng nghìn hộ gia đình đã và đang vay chương trình tín dụng giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt gần 6000 tỷ đồng với hơn 132.000 hộ dư nợ, tạo điều kiện cho hơn 150.000 lao động có việc làm ổn định. Hầu hết các dự án được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp, đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Vốn vay giải quyết việc làm là chiếc cần câu giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững.. Ảnh minh họa

Giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả

Vốn vay giải quyết việc làm là chiếc cần câu giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững. Những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách kịp thời, có hiệu quả tạo việc làm, duy trì mở rộng các điểm cho vay vốn. Nhờ đồng vốn ưu đãi tư chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhiều hộ gia đình wor vùng nông thôn Hà Nội đã chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm được nhiều việc làm mới ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.

Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn giải quyết việc làm nói riêng và các chương trình vay vốn nói chung thông qua nhiều hình thức để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố cũng tăng cường phối hợp với các Hội, đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân… để thực hiện tốt công tác tư vấn việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay.

Ông Phạm Văn Quyết, phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TP. Hà Nội cho biết: Việc tiếp cận được với vốn vay ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm giúp người lao động quay vòng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đã giúp người lao động tạo dựng việc làm, có thu nhập ổn định. Trong những năm vừa qua, thành phố và các quận, huyện rất quan tâm, bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm là một trong số các chương trình tín dụng chính sách kết hợp với nguồn vốn tại địa phương, nhất là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách các cấp, đã tạo lập nguồn vốn làm cơ sở để thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách, qua đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giải quyết việc làm xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video