“CLB Mẹ hiền, Dâu thảo”, mô hình hay góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc

02/04/2015
Ở ấp Phụng An, xã Song Phụng, tỉnh Sóc Trăng, có một mô hình sinh hoạt của Hội Phụ nữ mang lại hiệu quả rất thiết thực- “CLB Mẹ hiền, Dâu thảo”. Đây là mô hình không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - văn hóa, địa bàn sinh sống… của các vùng miền trên cả nước mà mọi nơi đều có thể áp dụng.

Trong mỗi gia đình, mối quan hệ thường hay có nhiều xung khắc nhất là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Ca dao xưa từng có câu “Thật thà cũng thể lái trâu, thương nhau cũng thể nàng dâu - mẹ chồng”. Thời xa xưa, người phụ nữ bị các hủ tục đè nén nên cam chịu nín nhịn nhiều, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu mang sắc thái con dâu sợ mẹ chồng. Giờ đây, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế, người phụ nữ được giải phóng khỏi nhiều hủ tục, nhiều giá trị phẩm chất đạo đức đang bị cho là có sự mai một nên mẹ chồng cho con dâu là “dâu Tây”, con dâu cho mẹ chồng là quá khắt khe soi mói. Hóa giải và thu xếp êm đẹp mối quan hệ này là mơ ước của nhiều người trong cuộc và là mục tiêu cố gắng của các cán bộ Hội Phụ nữ.

Từ thực tế đã trải nghiệm, chứng kiến cũng như lắng nghe tâm tư, tình cảm, trăn trở của những nàng dâu, mẹ chồng thời CNH- HĐH đất nước, các thành viên trong Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Long Phú,Sóc Trăng đã thành lập “CLB mẹ hiền - Dâu thảo” tại ấp Phụng An, xã Song Phụng. Thành phần tham gia CLB này là những cặp mẹ chồng nàng dâu cùng sống chung trong một gia đình, trong đó có những cặp mẹ chồng nàng dâu thường phát sinh mâu thuẫn chưa hòa giải được và những cặp mẹ hiền dâu thảo.

Mục đích của CLB là tạo dựng sự tin tưởng, dám chia sẻ của các mẹ chồng và nàng dâu để cùng nhau tháo gỡ khúc mắc trong mối quan hệ hàng ngày. Qua đó, các mẹ chồng nàng dâu được tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước gắn với 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Mục đích cao hơn nữa là CLB “Mẹ hiền dâu thảo” sẽ đóng góp quan trọng vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cụm dân cư văn hóa, đời sống văn hóa và góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, nền tảng của xã hội

Mục đích cao cả, ý nghĩa tích cực, nhưng quá trình vận động hội viên tham gia CLB lại gặp nhiều khó khăn, bởi có nhiều ý kiến cho rằng: Đây là mối quan hệ tế nhị, mẹ chồng và nàng dâu có những suy nghĩ, việc làm rất khác nhau, tâm lý, lứa tuổi lại càng khác xa nhau nên ngại tham gia cùng một CLB. Có nàng dâu ngại mang chuyện nhà ra “khoe thiên hạ”, sợ người nọ người kia bàn tán xì xào, sợ mẹ chồng sẽ gây khó khăn khi về nhàTuy nhiên, bằng sự quyết tâm cao, bằng nhiều cách vận động thuyết phục, Hội LHPN huyện Long Phú cũng lựa chọn được 12 cặp mẹ chồng nàng dâu (24 thành viên) tham gia CLB và bầu chọn Ban chủ nhiệm CLB (có 03 chị). CLB được chính thức ra mắt vào đầu tháng 5 năm 2013.

Chỉ trong thời gian ngắn, đến cuối năm 2013, sau khi được trang bị kiến thức được chia sẻ kinh nghiệm từ các gia đình tiêu biểu, đa số các mẹ chồng nàng dâu đều nhận thấy: tham gia sinh họat cùng CLB, họ được thẳng thắn bày tỏ quan điểm, được chia sẻ kinh nghiệm về nhiều tình huống trong các mối quan hệ của nhiều gia đình từ đó rút ra bài học để phòng tránh và cải thiện mối quan hệ của mình ngày một tốt hơn. Điển hình như: cặp mẹ chồng (bà Nguyễn Thị H.) - nàng dâu (Ca Thị Ngọc L.), khi chưa tham gia CLB, mẹ chồng hay giận hờn và bất đồng ý kiến với con dâu. Mẹ thường nấuăn và chăm cháu theo cách xưa, theo kinh nghiệm truyền miệng các cụ để lại, con thì theo quan niệm hiện đại nên hay tìm tòi học hỏi kiến thức trên báo, đài, mạng internet… Nhiều khi cách làm của con dâu trái ngược với cách làm của mẹ chồng nên hai mẹ con thường xuyên không vừa ý, ấm ức khó chịu với nhau. Khi sinh hoạt CLB, mẹ chồng được nghe phổ biến về cách nấu ăn cho gia đình và cho trẻ con làm sao để đảm bảo và cân bằng dinh dưỡng, từ đó bà mới hiểu và thông cảm cho con dâu. Hoặc có những cặp mẹ chồng con dâu không vừa ý nhau nhưng không thẳng thắn góp ý với nhau mà đem chuyện nhà đi kể lể, nói xấu rồi qua tai truyền miệng nhiều người, gây cãi vã phải nhờ Hội Phụ nữ phân giải hoặc mẹ con âm thầm ghét nhau. Qua sinh hoạt, cáchội viên thống nhất, trong cuộc họp ai chia sẻ tâm tư tình cảm thì các thành viên góp ý để tìm ra hướng giải quyết, sau đó tuyệt đối không thành viên nào được đem chuyện người khác đi bàn tán. Nhờ đường lối sinh hoạt đúng đắn mà mối quan hệ giữa mẹ chồng- nàng dâu của các thành viên CLB ngày càng chuyển biến tốt đẹp, các gia đình thành viên CLB cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nuôi dạy con cháu tốt hơn.Tính đến nay, qua gần 2 năm duy trì sinh hoạt CLB, mô hình này được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các thành viên CLB đều đồng tình ủng hộ.

Chị Bùi Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Phú cho biết: “Mô hình thu hút cả hai thế hệ phụ nữ trong cùng một mái nhà: những nàng dâu phải đảm đương việc cơ quan đòi hỏi các chị phải luôn sắp xếp sao cho cân bằng hợp lý giữa gia đình và sự nghiệp; những mẹ chồng có con dâu là cán bộ công chức nên phải san sẻ việc nhà, chăm sóc các cháu để con dâu có điều kiện làm việc tốt hơn. Sự lan tỏa của mô hình đã đóng góp quan trọng vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa của địa phương. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Long Phú sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn các xã khác trong toàn huyện,và hy vọng nó cũng là mô hình thiết thực trong tỉnh và cả nước”.

Nguyễn Thị Diện - Hội LHPN Sóc Trăng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video