“Giữ lửa” gia đình và công việc - khó khăn của riêng phóng viên nữ?

21/06/2018
Theo nghiên cứu về giới trong lĩnh vực báo chí tại Việt Nam, nam giới không gặp phải những hạn chế đặc biệt hoặc đáng kể nào về giới khi theo đuổi nghề báo. Tuy nhiên, các phóng viên nữ thường gặp những khó khăn trong việc cân bằng giữa yêu cầu nghề nghiệp và trách nhiệm gia đình...
Với mục đích cung cấp thông tin đầu vào cho các hoạt động của Mạng lưới Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Đông Nam Á thông qua hoạt động tìm hiểu vấn đề bình đẳng giới tại các cơ sở báo chí, Viện Đào tạo báo chí Fojo (Tổ chức phát triển báo chí có nguồn ngân sách tài trợ từ Chính phủ Thụy Điển) đã thực hiện nghiên cứu về giới trong lĩnh vực báo chí tại Việt Nam (gọi tắt là nghiên cứu). Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp bảng hỏi và thảo luận nhóm tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác với người tham gia là các phóng viên cả nam và nữ. 

Phụ nữ tham gia vào lĩnh vực báo chí đông đảo hơn nam giới

Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ tham gia vào lĩnh vực báo chí đông đảo hơn nam giới. 67% nữ phóng viên khi được hỏi cho biết hơn một nửa đồng nghiệp của mình là nữ. Theo phân tích của nghiên cứu, một trong những lý do khiến phụ nữ yêu thích nghề báo bởi khác với nam giới có xu hướng theo học các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán thì nữ giới thường quan tâm đến các môn nhân văn và các lĩnh vực liên quan nên thường có xu hướng chọn lĩnh vực báo chí và truyền thông trong phạm vi lực lượng lao động có nền tảng giáo dục cao. 

Ở trong các tòa soạn báo, theo nghiên cứu, đối với các chủ đề hoặc lĩnh vực đưa tin, sự chênh lệch về giới là không đáng kể. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống nói chung hoặc đời sống phụ nữ nói riêng đều có cả phóng viên nam và nữ tác nghiệp. Tuy nhiên, với lĩnh vực khoa học, công nghệ và thể thao thì số lượng phóng viên nam có xu hướng áp đảo hơn. Tuy không có sự khác biệt quá lớn về phóng viên chuyên mục, lĩnh vực nhưng trong quá trình thảo luận nhóm phục vụ nghiên cứu, một số phóng viên nữ tham gia nghiên cứu cho biết phóng viên nam thường được ưu tiên chọn đi công tác ngoài hiện trường hoặc đảm nhận các chuyến công tác đến địa phương xa xôi hơn phóng viên nữ với lý do đối với nữ giới việc di chuyển nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe và ẩn chứa nhiều rủi ro như quấy rối tình dục...

Mong muốn được ghi nhận vì năng lực 

Một trong những vấn đề mà nghiên cứu đặc biệt lưu ý là sự cân bằng giữa công việc và gia đình của phóng viên nam và nữ. Theo nghiên cứu, nam giới không gặp phải những hạn chế đặc biệt hoặc đáng kể nào về giới khi theo đuổi nghề báo. Tuy nhiên, các phóng viên nữ thường gặp những khó khăn trong việc cân bằng giữa yêu cầu nghề nghiệp và trách nhiệm gia đình vì họ chịu trách nhiệm chính đối với các công việc gia đình trong đó bao gồm chăm sóc con cái.

Nhiều phụ nữ được hỏi cho biết, tuy yêu thích nghề báo, yêu thích những chuyến đi hiện trường viết tin bài nhưng họ phải ưu tiên lựa chọn công việc văn phòng vì đây là những công việc giúp họ có điều kiện thuận lợi để chăm sóc gia đình. Trong khi đó, nhiều nữ giới khác cho biết họ buộc phải chọn những công việc bàn giấy vì vướng phải những kỳ vọng rập khuôn về vai trò của họ trong gia đình (xã hội Việt Nam đặt kỳ vọng phụ nữ không chỉ phải quan tâm tới gia đình trực tiếp của mình mà còn phải quan tâm tới gia đình, họ hàng nhà chồng). Thậm chí trong một số trường hợp cực đoan, áp lực này khiến một số người phải bỏ nghề báo hoặc ly hôn...

Khi đọc những kết quả nghiên cứu về sự cân bằng giữa công việc và gia đình của phóng viên nữ, người viết bài nhớ đến cuộc giao lưu các nữ Tổng Biên tập trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018 do Hội Nhà báo Việt Nam và Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tháng 3 vừa qua.

Tại cuộc gặp gỡ này, nói về vấn đề bình đẳng giới để mở thêm cơ hội cho nhà báo nữ, phóng viên nữ, Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia Nguyễn Thùy Dương cho rằng: “Chúng ta vẫn nói trao quyền cho phụ nữ, nhưng thực tế, phụ nữ luôn phải bỏ ra công sức dường như gấp đôi với nam giới để vừa hoàn thành công việc, vừa làm việc gia đình. Đặc biệt làm báo trong thời kỳ kinh tế thị trường này rất khó khăn. Một tòa soạn hiện không khác một doanh nghiệp khi phải đảm bảo kinh tế, lo đầu ra đầu vào, cạnh tranh với mạng xã hội. Trong khi vừa đảm bảo thông tin, không được đưa tít tin bài giật gân, “câu khách”. Hãy trao quyền cho phụ nữ để họ có thêm cơ hội thể hiện tài năng. Họ là những người có đam mê, lòng yêu nghề và sức mạnh không thua kém bất cứ ai nên khi được trao quyền, họ nhất định sẽ tỏa sáng”. 

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thục Hạnh, người có thâm niên ngồi trên “ghế nóng” Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam đến nay đã tròn 10 năm cho biết: “Với tôi, làm Tổng Biên tập là chấp nhận đầy đủ thách thức và thuận lợi. Không có sự khác biệt hay ưu tiên nào cho phụ nữ. Có chăng, chỉ khác một chút ở góc nhìn và cách thức giải quyết vấn đề. Trong thời điểm này, dù là nam hay nữ, Tổng Biên tập vẫn đang gặp thách thức nhiều hơn cơ hội, đặc biệt đối với những toà soạn tự chủ 100%. Khi có báo điện tử, áp lực về nghề mạnh lên rất nhiều lần. Việc 12 giờ đêm hay 2 giờ sáng, Tổng Biên tập còn phải xử lý sự cố tin bài dù không mấy thú vị lại đang xuất hiện càng ngày càng thường xuyên. Cá nhân tôi mong muốn các nữ Tổng Biên tập có cơ hội công bằng bởi năng lực, nhiệt huyết và sức sáng tạo chứ không phải vì chúng tôi là phụ nữ". 

PLO

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video