“Hình như, tôi có duyên với Dự án của các cô mất rồi!”

26/12/2011
Vẫn nụ cười tươi, giọng nói đầm ấm và những cử chỉ thân thiện, chị vừa hỏi thăm, vừa dẫn tôi vào nhà. Lần nào đến thăm, chị cũng làm tôi ngạc nhiên trước những thành quả mà gia đình chị gặt hái được. Chị là Lê Thị Phương, hội viên thôn 5, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên chị đến gặp tôi - dáng gầy gò, tất bật, vội vã, tay cầm chứng minh nhân dân - để đăng ký vay vốn của dự án “Khởi đầu mới” do Quỹ Unileverhỗ trợ. Gia đình chị là một trong những gia đình hội viên khó khăn được xét vay vốn dự án: bản thân chị luôn đau ốm; chồng lái xe ôm, công việc bấp bênh hôm có khách, hôm không; đang phải nuôi 4 người con ăn học (2 cháu là sinh viên, 2 cháu đang là học sinh).

Sau một tháng phát vốn vay, tôi đến thăm nhà chị. Tôi rất ngạc nhiên vì anh chị đã mở được xưởng nhỏ sản xuất gạch tro lò với số vốn vay ít ỏi của dự án. Xưởng sản xuất đã xua tan những băn khoăn lo lắng của tôi về chị: liệu chị có sử dụng đúng mục đích vay vốn? hay vốn vay để chữa bệnh, nộp tiền học cho con...? Được biết, vợ chồng chị sử dụng vốn để mua 2 xe tro lò và 50 con vịt nuôi thịt. Lấy công làm lãi, vợ chồng chị đã thu gom thêm gạch vỡ để sản xuất gạch thành phẩm. Trờikhông phụ người chăm chỉ, những mẻ gạch liên tục được xuất đi; đàn vịt cũng lớn nhanh, chỉ chưa đầy 3 tháng đã được xuất chuồng.

Không chỉ được vay vốn từ dự án dự án, chị còn được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp ly; tham dự những đợt truyền thông của dự án về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn,… Kiến thức đó đã giúp chị rất nhiều trong sản xuất, chăn nuôi, cũng như chăm sóc sức khỏe cho bản thân và mọi người trong gia đình. Việc sản xuất gạch từ tro lò, gạch vụn… của vợ chồng chị không chỉ hạn chế khai thác đất, khói bụi từ lò nung mà còn tận dụng sản phẩm thừa trong sản xuất vôi, đá ở địa phương, góp phần làm sạch môi trường.

Trả hết chu kỳ 1, chu kỳ 2, chu kỳ 3, chu kỳ 4,... Sau mỗi chu kỳ, kinh tế gia đình chị lại sang một trang mới. Đến năm 2010, anh chị đã tích được một khoản tiền kha khá, thêm vốn vay của Dự án “Khởi đầu mới”, anh chị đã đầu tư mua máy đóng gạch xi măng và thuê 3 người làm với lương tháng từ 1,5 – 2 triệu đồng. Không phụ công cha mẹ, các con chị phấn đấu học hành và đạt được những thanh tích đáng nể: cô con gái được giữ lại làm giảng viên trường ĐHSP I Hà Nội, con gái thứ 2 được bình xét là sinh viên xuất sắc; con gái thứ 3 thi đậu vào đại học.

Tiễn tôi ra về, chị vừa cười, vừa nói: “Hình như, tôi có duyên với Dự án của các cô mất rồi!”. Nghe chị nói vậy, tôi càng thấy công việc của mình thật nhiều ‎ý nghĩa. Ước gì chị em nào trong xã cũng vươn lên đạt được thành công như chị.

Nguyễn Thị Thanh – Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo chi nhánh Đông Sơn, Thanh Hóa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video