'Khơi gợi tinh thần dân tộc là bài học bảo vệ đất nước'

02/09/2009
"Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, là bài học cơ bản khơi gợi ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước", Giáo sư Đinh Xuân Lâm, nhà sử học hàng đầu Việt Nam trò chuyện với VnExpress.net dịp 2/9.

- Trong Di chúc, Bác Hồ viết: "Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ". Dưới góc nhìn sử học, theo ông đâu là bí quyết bảo toàn lãnh thổ trong tư tưởng Hồ Chí Minh?

- Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng, nằm trên con đường thông thương Đông - Tây, Bắc - Nam nên trong lịch sử chịu nhiều nạn ngoại xâm từ phương Bắc, phương Tây. Về đối ngoại, Bác chủ trương tăng cường quan hệ giao lưu. Trong thời gian Người lãnh đạo đất nước, chúng ta đã tổ chức hội nghị Liên Á, Liên hiệp các nước... Đây là biện pháp để phân hóa lực lượng đối lập với mình.

Thời nhà Hồ, binh trăm vạn, nhưng không có lòng dân nên tan nhanh. Trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp, quân ta ít ỏi nhưng lại được người dân ủng hộ. Tôi cho rằng sự ủng hộ của người dân có vai trò quyết định trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Bác Hồ đã khơi gợi được tinh thần dân tộc yêu nước, đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều người chưa đủ điều kiện vẫn trốn gia đình để đi bộ đội, có những gia đình anh đi bộ đội rồi, em cũng theo cách mạng... Người ta thấy niềm vui và trách nhiệm được tham gia, góp sức vào cuộc kháng chiến, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Bác từng nói, chủ nghĩa yêu nước là sự kết hợp biện chứng giữa truyền thống và thời đại: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết hợp thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước. Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta".

Nhận định của Hồ Chủ tịch đã tổng kết được toàn bộ lịch sử Việt Nam trong quá trình dựng nước, giữ nước.

- Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đất nước gặp muôn vàn khó khăn khi phải đối mặt với Pháp, Nhật và quân Tưởng Giới Thạch. Việc khơi gợi tinh thần dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân đã được Bác thực hiện thế nào, thưa ông?

- Lúc chúng ta giành được chính quyền, ngân hàng hầu như rỗng không. Đồng thời, ta phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trong tình hình đó phải hoàn toàn dựa vào dân, bao nhiêu chính sách đều vì dân, để dân ngày càng gắn bó với chính quyền mới này

Chính quyền cách mạng đầu tiên có nhiều trí thức nổi tiếng như: Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Ngụy Như Kon Tum, Nghiêm Xuân Yêm... Họ thành cán bộ cốt cán của chính quyền cách mạng, toàn tâm toàn ý theo cách mạng.

"Hồ Chí Minh trước sau luôn có ý thức và đấu tranh cho toàn vẹn lãnh thổ" - Giáo sư Đinh Xuân Lâm nói.. Ảnh tư liệu

Những người này được Bác khẳng định là những người yêu nước. Lòng tin của Bác khi giao nhiệm vụ khiến họ toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng. Ở đây có yếu tố sức cảm hóa của con người Hồ Chí Minh, sức cảm hóa đối với cả những người bên kia chiến tuyến hay bất đồng quan điểm.

Sức cảm hóa ở Bác rất mạnh, không phải sự cảm hóa thông thường mà là vì lòng yêu nước chân chính. Nhờ điều này mà những trí thức chân chính bắt gặp nhau. Ví dụ như ông Huỳnh Thúc Kháng, một người tiêu biểu ở miền Trung, Bác muốn mời làm Phó chủ tịch nước. Nhưng trước khi ra Hà Nội, ông Kháng nói với người nhà chỉ ra để gặp Nguyễn Ái Quốc, sau đó sẽ về, không ở lại. Nhưng chỉ sau một đêm đàm đạo, cụ Huỳnh đã ở lại làm Phó chủ tịch nước, góp sức cho cách mạng...

- Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Bác luôn khẳng định "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam". Ông đánh giá gì về ý thức toàn vẹn lãnh thổ trong tư tưởng Hồ Chí Minh?

- Hồ Chí Minh trước sau luôn có ý thức và đấu tranh cho toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh cho một nước Việt Nam thống nhất. Khi bác ký Hiệp ước 6/3/1946, có nhiều người phản đối. Thực ra, Bác đã cân nhắc đầy đủ, cho Pháp vào nhưng đẩy được quân Tưởng ra, mình chỉ còn tập trung đánh Pháp. Nếu để các lực lượng đó liên kết với nhau thì rất khó.

Nhìn lại cả quá trình chiến đấu của Người dễ thấy Bác lúc nào cũng vì mục tiêu cao cả là độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Chính vì vậy, Bác có thể bỏ qua những cái khác biệt, bỏ qua cho kẻ thù, thậm chí khi họ đã hối cải thì mình còn tiếp nhận. Giúp việc cho Bác nhiều người trước kia đứng bên kia chiến tuyến.

Khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Bác từng nói: "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam". Trong Di chúc Bác cũng viết: "Tôi có ý định đến ngày đó (thắng lợi), tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta".

Tinh thần dân tộc luôn luôn gắn bó với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đối với Hồ Chí Minh, không bao giờ có chuyện xa rời quyền lợi dân tộc, cho nên Người luôn nói tới việc xây dựng một xã hội công bằng dân chủ văn minh theo định hướng XHCN - tức là phải giải quyết mọi việc bình đẳng chứ không thể xâm phạm quyền lợi của nhau được.

- Trong thời đại ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người có giá trị thế nào trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước?

- Trong thời đại ngày nay, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người vẫn giữ nguyên giá trị. Trong đó, Bác chú trọng tinh thần đoàn kết, "Dân là nước, có thể nâng thuyền, lật thuyền" - đây là bài học cho người lãnh đạo. Chính sách đúng thì người ta theo, vì ai cũng có lòng yêu nước.

Tinh thần chủ đạo của Bác vẫn là hòa bình, hữu nghị nhưng luôn đề cao cảnh giác. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước thì luôn luôn cảnh giác, chuẩn bị lực lượng vũ trang. Bác rất chú trọng việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, Bác cho đấy là trách nhiệm lớn của Đảng và cũng là tâm niệm của Người. Đảng phải làm sao bồi dưỡng thế hệ trẻ tiếp nối cha anh, nâng sự nghiệp cách mạng lên.

Thời kinh tế thị trường, con người dễ chạy theo nhiều mục tiêu phù phiếm, cá nhân khiến lòng tự hào dân tộc có phần phai nhạt. Đợt học tập Di chúc, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và làm theo lời Bác, một trong những yêu cầu lớn là để nung nấu lại, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đề ra trách nhiệm lớn trước mắt cho thanh niên và các tầng lớp nhân dân.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm là một trong trong 4 đại thụ của ngành sử học Việt Nam "Lâm, Lê, Tấn Vượng" (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng). Ông là chuyên gia nghiên cứu lịch sử cận, hiện đại, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Các công trình khoa học gồm: Lịch sử Việt Nam đại cương (chủ biên), Lịch sử cận đại Việt Nam (viết chung với giáo sư Trần Văn Giàu)...

Việt Anh - Nguyễn Hưng- VNE

Theo Việt Anh - Nguyễn Hưng (VNE)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video