“Một điểm dừng”: Phao cứu khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới, xâm hại

23/09/2020
Thay vì phải đi trình báo công an, nhờ người viết đơn tố cáo tội phạm, tìm kiếm người hỗ trợ thì đề xuất dự án theo phương cách “Một điểm dừng” sẽ trở thành chiếc phao cứu khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới, xâm hại.
Ảnh minh họa

Là nơi tiếp nhận đầu mối hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em toàn khu vực phía Nam, Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, thường xuyên tiếp xúc với các câu chuyện đau lòng. Phụ nữ và trẻ em, với bi kịch bị hãm hiếp, bạo hành, đã lấy đi nhiều nước mắt không chỉ của người thân nạn nhân mà còn cả của những người có lương tri trong toàn xã hội. Đã có rất nhiều vụ án được xét xử công khai, tại các phiên tòa người rơi nước mắt còn là các luật sư bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

"Các luật sư của Chi hội chúng tôi chạy ngược xuôi ngày đêm nhưng đến thời điểm này cũng vẫn còn mấy chục vụ việc nữa nằm trên bàn giấy, chưa có kết quả như ý. Bởi lẽ khi các chị em hoặc các con bị đánh đập, bị xâm hại, thì phải qua khá nhiều trình tự trình báo. Tới lúc được thực hiện công việc giám định thương tích, lấy mẫu tế bào... thì có khi chứng cớ đã vơi bớt hoặc bị trôi hết rồi, rất khó để kết tội thủ phạm. Đó là còn chưa nói tới việc không phải ai cũng biết viết đơn trình báo. Rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, mà người thân không biết chữ, ít sự hiểu biết. Có khi vừa mới tính đi trình báo, vẫn còn chưa biết tới đâu, thì đã bị đe dọa dẫn tới bi kịch càng đi vào đường cùng, bế tắc", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, chia sẻ.

Vào đầu năm 2020, khi tham gia đoàn giám sát của Quốc hội, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã đề xuất thí điểm mô hình Một điểm dừng, triển khai từ Đề án Trung tâm một cửa liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới và xâm hại của Hội LHPN Việt Nam.

Theo đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, đối tượng trẻ em bị bạo hành, xâm hại không chỉ đau đớn về mặt thể xác, tổn hại sức khỏe nghiêm trọng, mà còn bị sang chấn tâm lý, tổn thương tinh thần khủng khiếp. Với quy trình hiện nay, các nạn nhân này phải trải qua sự xác minh của nhiều cơ quan hữu trách, khiến trẻ đã sợ lại càng sốc hơn. Vì có quá nhiều quy trình như vậy mà có thể lời khai của trẻ trở nên bất nhất. Bữa nay trẻ nhớ khai việc này, song ngày mai trẻ quên lại khai qua việc khác.

Mô hình Một điểm dừng, theo cách dễ hiểu nhất, là chọn một vị trí, cơ sở nào cố định để các nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tới đó tố cáo. Khi có vụ việc, tất cả các cơ quan chức năng sẽ được mời tới để tiếp xúc với nạn nhân, từ việc lấy lời khai, ghi âm ghi hình củng cố lời khai, giám định thương tích, lấy mẫu tinh dịch... Nói gọn lại là N trong 1, để nạn nhân không bị kêu tới lui nhiều lần, ảnh hưởng tới tinh thần và các chứng cứ được giữ lại ngay, không bị phai nhạt bởi các tác nhân khác.

Ảnh minh họa

Cần thực hiện sớm để bảo vệ các nạn nhân

Tại Đề xuất Đề án Trung tâm một cửa liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới và xâm hại của Hội LHPN Việt Nam cho biết, mỗi năm cả nước có hơn 100.000 vụ bạo lực gia đình dẫn đến ly hôn; từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại (nữ chiếm 86,9%), trong đó 79,5% là trẻ em bị xâm hại tình dục; từ năm 2011 đến 2016, mỗi ngày có 4 người bị mua bán, trong đó nạn nhân là phụ nữ chiếm 96,4%; trẻ em: 16%.

"Thực tiễn phòng, chống bạo lực giới và dịch vụ bảo vệ nạn nhân bị bạo lực giới ở một số nước (Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển,...) cho thấy, dịch vụ liên ngành hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân thông qua mô hình một cửa (One stop crisis center - OSCC) là khá phổ biến và đảm bảo sự can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ hiệu quả. Mô hình hỗ trợ khẩn cấp liên ngành một cửa được coi như là điểm tiếp cận hệ thống dịch vụ đầu tiên giúp nạn nhân được bảo đảm sự an toàn về thể chất và tinh thần (chữa trị vết thương, tư vấn khủng hoảng), được giám định pháp y để có chứng cứ cho quá trình tố tụng bảo vệ quyền. Đây là một dịch vụ không thể thiếu cho nạn nhân trong quá trình đi tìm công lý và hồi phục", đề án của Hội LHPN Việt Nam phân tích.

Theo đề án này, việc thành lập và thí điểm vận hành Trung tâm một cửa bảo vệ khẩn cấp phụ nữ bị bạo lực giới, trẻ em bị xâm hại theo hướng phối hợp liên ngành, trước mắt tại 3 địa phương Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ sau đó nhân rộng ra khu vực Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, với thời gian hỗ trợ 24/24 và 365 ngày/năm.

"Đề án Trung tâm một cửa liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới và xâm hại của Hội LHPN Việt Nam rất phù hợp với thực tiễn mà chúng tôi đang đối mặt. Từ đó chúng tôi đề xuất Một điểm dừng triển khai từ đề án này, để diễn giải cụ thể hơn cho nhiều người cùng hiểu và chia sẻ. Là người tiếp xúc trực tiếp với các bi kịch của phụ nữ và trẻ em hàng ngày, tôi mong rằng các đề xuất này được Chính phủ để tâm và hỗ trợ để đưa vào thực tế, sớm chừng nào hay chừng nấy", Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.

 

Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam đang vận hành các phòng tham vấn và 3 Ngôi nhà bình yên dành cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới tại Hà Nội, Cần Thơ. Từ năm 2007, mỗi năm Hội đã tham vấn và hỗ trợ, kết nối giải quyết cho hàng ngàn vụ việc phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực và đã có tới gần 1.300 nạn nhân đã đến tạm trú tại 3 Ngôi nhà bình yên. Tổng đài 1900969680/0946833380. Dịch vụ Ngôi nhà Bình yên là Miễn phí.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video