13/05/2006
 

Tăng thuế thuốc lá - Một biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả

Thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh về hệ hô hấp. Nếu khuynh hướng hút thuốc lá cứ tiếp tục như hiện nay, ước tính 10% dân số nước ta sẽ chết sớm do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó có khoảng 3,7 triệu người sẽ chết ở độ tuổi trung niên.

Trong nghị quyết của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2000-2010 nêu rõ: “Thuốc lá là mặt hàng độc hại, không khuyến khích tiêu dùng, do đó chính sách thuế đối với các sản phẩm thuốc lá luôn cần ở mức thu cao”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lý Ngọc Kính - Vụ trưởng Vụ điều trị, Chủ nhiệm Chương trình quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá về vấn đề này.

 

PV: Thưa TS, xin ông cho biết thực trạng thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện nay?
 

TS. Lý Ngọc Kính: Hiện nay ở Việt Nam thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu thuộc nhóm thuế suất 65%, là loại thuốc điếu sử dụng khối lượng nguyên liệu sợi thuốc nhập khẩu chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên. Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sợi thuốc do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chế biến hoặc sử dụng dưới 51% nguyên liệu sợi thuốc nhập khẩu thì áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 45%. Cơ cấu thuế nhiều mức hiện nay khiến giá thuốc lá trên thị trường rất khác nhau, giá nhiều loại thuốc không đầu lọc chỉ khoảng 1.000đồng/bao. Giá cả nhiều loại thuốc thấp đã tạo cơ hội cho những người có thu nhập thấp (bao gồm cả thanh thiếu niên) có khả năng mua thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc cao đồng nghĩa với tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến thuốc lá cao, đây là gánh nặng đối với người nghèo, xã hội và Chính phủ.

PV: Như vậy, để giảm được số lượng người hút thuốc, biện pháp tăng thuế thuốc lá là cần thiết?


TS. Lý Ngọc Kính: Để góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, thực hiện cam kết của Chính phủ với Tổ chức Y tế Thế giới về việc thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và thực hiện thành công Nghị quyết của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2000-2010. Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc như tuyên truyền, vận động, cấm quảng cáo khuyến mại, cấm hút thuốc nơi công cộng... Phần lớn người dân đã hiểu được tác hại của thuốc lá, tuy nhiên việc từ bỏ thuốc lá không phải là việc dễ dàng bởi thuốc lá là sản phẩm có chất gây nghiện. Vì vậy, một trong những biện pháp có hiệu quả nhằm giảm số lượng người hút là tăng thuế thuốc lá. Tăng thuế sẽ làm tăng giá thuốc lá. Người nghèo và thanh thiếu niên là hai đối tượng rất nhạy cảm với việc giá thuốc tăng, họ sẽ hút ít đi hoặc sẽ không bắt đầu hút thuốc khi giá thuốc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế của họ.

Hiện nay ở Việt Nam, việcáp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65-70% (vẫn giữ thuế VAT là 10% và thuế nhập khẩu nguyên liệu là 30%) là phù hợp và cần phải có lộ trình tăng thuế thuốc lá bảo đảm thuế thuốc lá sẽ chiếm 2/3 giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Việc áp dụng mức thuế này sẽ làm giảm mức tiêu thụ trong nước từ 3,1-7,2% nhưng tăng doanh thu thuế của Chính phủ từ 10,8-20,4%.

PV: Theo kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Anh... Chính phủ trích một phần từ thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá để hỗ trợ cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá.Theo ông, kinh nghiệm này có thể áp dụng ở Việt Nam?


TS. Lý Ngọc Kính: Đây là một kinh nghiệm tốt đã được rất nhiều nước thực hiện. Vì sản phẩm thuốc lá là mặt hàng độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy, tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, hằng năm các công ty thuốc lá của nhà nước phải nộp thêm 2% trên tổng số tiêu thụ đặc biệt để dành cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá và chăm sóc sức khỏe. Nếu việc làmnày được áp dụng ở Việt Nam thì kinh phí dành cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá sẽ có nhiều hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, nếu phần kinh phí này được dành cho công tác chăm sóc sức khỏe thì sẽ giảm bớt được gánh nặng cho ngành y tế.


PV: Xin cảm ơn TS!

 

Theo Sức khoẻ và Đời sống

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video