19/05/2006
 

                                    Giới trẻ hút thuốc lá: Ngày càng trẻ, cả ở nữ!

Hiện tượng hút thuốc lá ở thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, đặc biệt là ngày càng trẻ hóa, nhất là ở giới nữ. Phân tích, tổng hợp của BS ThS Trương Trọng Hoàng, phó giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khoẻ (T4G) TP.HCM.


Nam
: 3,1% hút từ lúc còn hỉ mũi!*

Một khảo sát về tình hình hút thuốc lá ở người từ 18 tuổi trở lên do T4G và ĐH California (San Francisco, Mỹ) phối hợp thực hiện trong thới gian từ tháng 6 đến tháng 9/1995 ở nội thành TP.HCM và xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi cho thấy tỷ lệ nam hút thuốc trong độ tuổi 18-19 là 50%, và đến 71% ở độ tuổi 20-24. Trong khảo sát này, tuổi trung bình bắt đầu hút là 20 tuổi, tuy nhiên có trường hợp đã hút từ lúc lên... năm tuổi. Lý do dẫn đến trẻ nghiện là do người lớn, trẻ lớn hơn tập tành, hoặc bắt các em mồi thuốc và mua thuốc lá.

Trong khi học sinh là đối tượng không được khuyến khích hút thuốc lá, và đặc biệt bị nghiêm cấm, thì vào tháng 1/2002, một nghiên cứu về hành vi có hại của học sinh THPT (15-18 tuổi) ở các trường nội thành TP.HCM do T4G thực hiện cho thấy tỷ lệ học sinh nam trong độ tuổi này có hút (trong vòng 30 ngày trước ngày khảo sát) lên đến 27,8%, và đã từng hút là 43,5%.

Gần đây nhất, kết quả khảo sát học sinh nam các lớp 8, 9, 10 (13-15 tuổi) cũng do T4G thực hiện vào tháng 5/2003 theo yêu cầu của Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho thấy: tình hình hút thuốc ở những người trẻ này cũng khiến mọi người... phát hoảng. Cụ thể: Tỷ lệ các em học sinh nam trong độ tuổi có hút trong vòng 30 ngày trước ngày khảo sát là 8,3%, và đã từng hút là 34,2%. Tỷ lệ tương ứng theo độ tuổi là 4,7%, 7,6% và 12%. Như vậy, ngay từ lớp 8 đã có nhiều em nam hút thuốc lá và tỷ lệ tăng đều từ các lớp thấp đến cao. Về tuổi bắt đầu hút, quả thật đáng lo ngại khi có 3,1% học sinh bắt đầu hút từ lúc 7 tuổi hoặc dưới, và nhiều nhất là từ 12-13 tuổi!

Nữ: 0% chỉ còn là... quá khứ

Các nghiên cứu vừa qua cho thấy tình hình hút thuốc lá ở bạn gái trẻ có chiều hướng gia tăng đáng kể. Một nghiên cứu năm 1995 cho thấy tình hình hút thuốc ở nữ, độ tuổi 15-19 và độ tuổi 20-24, là rất "hiền lành". Tỷ lệ tương ứng là 0% và 0,01%. Đến năm 1999, tỷ lệ thanh thiếu niên (TTN) nữ hút thuốc dần dần "nhích" lên. 6,3% ở các đối tượng nữ công nhân và nữ sinh, nữ sinh viên (HS-SV) trong thời gian khảo sát có hút thuốc. Trong đó, nữ công nhân hút nhiều hơn HS-SV. 20% TTN trong cả hai nhóm cho biết đã từng thử hút thuốc.Đến năm 2002, nghiên cứu về hành vi có hại của học sinh THPT ở các trường phổ thông nội thành cho thấy có 3,6% nữ sinh hút thuốc lá trong thời gian khảo sát.

Về những yếu tố liên quan đến hút thuốc lá ở nữ, trong cuộc nghiên cứu năm 1999 ở đối tượng HS-SV và nữ công nhân, khi được hỏi về khả năng hút trong tương lai, có đến 5,3 người hiện không hút trả lời là Có, và 17% trả lời là Có thể. Về hoàn cảnh có thể khiến đối tượng hút thuốc trong tương lai, cao nhất là khi Chán (50%), và khi Buồn (46,2%). Đặc biệt, có đến 20% cho là sẽ hút khi việc hút thuốc ở phụ nữ trở nên phổ biến!

Kết quả cũng cho thấy 2,2% cho là "phụ nữ hút thuốc trông hấp dẫn, lôi cuốn", 3,2% cho là trông cũng được và có đến 21,2% không thích cũng không ghét.

Chỉ có 35,1% không thích phụ nữ hút thuốc. Điều này cho thấy việc hút thuốc lá ở nữ có khả năng tăng lên trong tương lai. Và khi việc hút thuốc ngày càng quen mắt, sẽ trở thành một "kích nổ", châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền, mà hậu quả là có nhiều "con nghiện" thuốc lá là nữ.

Xã hội không đồng tình với chuyện nữ "phì phèo" điếu thuốc lá nhưng nghiên cứu cho thấy nơi các TTN nữ hay hút là những nơi công cộng. Hai địa điểm được kể nhiều nhất là quán cà phê (52,3%) và chỗ họp mặt vui chơi (38,7%). Có 65,5% phụ nữ từng tiếp nhận thông tin về tiếp thị thuốclá. Có 20% biết có các loại thuốc lá dành riêng cho phụ nữ, trong đó có một vài loại thuốc được "tường tận" nhiều nhất.

Thanh thiếu niên: Thời cơ và nguy cơ

Đây là lứa tuổi hình thành nhân cách, trong đó có các hành vi liên quan đến sức khoẻ. Tư duy phát triển, TTN bắt đầu suy nghĩ nhiều, nhưng lại chưa có kinh nghiệm, tầm nhìn còn hạn chế nên dễ bị lôi kéo và tiêm nhiễm những thói quen xấu từ bạn bè. Họ muốn thành người lớn, muốn độc lập nhưng lại chỉ bắt chước hình thức như hút thuốc, uống rượu hoặc chưng diện. Họ cũng muốn có suy nghĩ, hành động "vượt rào" khỏi khuôn phép người lớn nhưng lại không tự định hướng được mình, dễ bị cuốn theo cách suy nghĩ của bạn bè và những hình ảnh, câu chuyện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ cũng cần đến nhu cầu giao tiếp, muốn được khẳng định "vị trí" trong nhóm, muốn được tán thưởng (biết "chơi"). Những nhu cầu này có thể phát triển trong các hoạt động lành mạnh nhưng cũng có thể trong những chuyện không hay như hút thuốc, quậy quá, đua xe...

Vì những lý do đó mà có người gọi giai đoạn này vừa là "thời cơ" vừa là "nguy cơ", bởi nếu được định hướng tốt, các em sẽ trở thành những người lớn có sức khoẻ, có trách nhiệm, có sức sản xuất cao. Thế nhưng nếu ngược lại, các em cũng có thể gánh lấy những hậu quả về sức khoẻ, dẫn đến sức sản xuất kém, thậm chí ảnh hưởng xấu đến gia đình và xã hội. Quan tâm đến nhận thức, thái độ, hành vi liên quan đến sức khoẻ của TTN trong đó có vấn đề hút thuốc lá là một việc làm vô cùng quan trọng.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy các nỗ lực về truyền thông giáo dục và các quy định luật pháp còn chưa thoả đáng, đòi hỏi sự đầu tư và cố gắng hơn nữa. Đặc biệt, cần có một sự can thiệp tích cực để hạn chế tình hình hút thuốc lá ở nữ hiện nay là rất cần thiết và không thể trễ hơn nữa. 

VietNamNet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video