“Ngân hàng bò” – mô hình giàu tính nhân văn của Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn

11/04/2017
Triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm 2014, mô hình “Ngân hàng bò” được đánh giá là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ hỗ trợ các gia đình hội viên phụ nữ nghèo đứng chủ vươn lên phát triển kinh tế mà còn tạo cơ hội cho họ được san sẻ, giúp đỡ người khác.

Ba năm trước, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạntriển khai mô hình “Ngân hàng bò” tại 21 xã trên địa bàn các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn. Thông qua khảo sát, các cấp Hội chọn lọc các hộ phụ nữ làm chủ có hoàn cảnh khó khăn tham gia chương trình. Hội đã trao cho mỗi hộ 01 con bò giống, đồng thời tổ chức tập huấn trang bị kiến thức chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho bò tại gia đình.

Nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả từ mô hình, trước khi trao bò, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập Ban quản lý mô hình để thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời chỉ đạo và xây dựng quy chế quản lý đảm bảo đem lại lợi ích cho hội viên và quy định việc nhân rộng mô hình để nhiều hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có cơ hội được hưởng lợi. Với cách thức mỗi hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ được trao tặng 1 con bò giống. Con bò này không được bán mà sẽ được chăm sóc để sinh sôi ra thật nhiều bê. Lứa bê đầu tiên khi được 12 tháng tuổi sẽ được chuyển lại cho Ban quản lý “Ngân hàng bò” để chuyển cho hộ nghèo khác hưởng lợi. Cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo khác trong địa phương được trợ giúp.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã trao 81 con bò giống cho 81 hộ gia đình hội viên phụ nữ. Đến nay, có 24 con đã sinh sản; 14 con đang mang thai, số còn lại đang phát triển tốt, nâng tổng số đàn bò bê lên 101 con.

Năm 2014, chị Lâm Hoàng Hiếu ở thôn Nà Lạc, xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn) được trao tặng bò giống và được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Được chăm sóc và phòng bệnh đúng cách, bò mẹ đã sinh bê con. Theo quy định của mô hình “Ngân hàng bò”, gia đình chị bàn giao con bê cái để luân chuyển cho hộ nghèo khác. Chị cho biết, sắp tới, khi bò mẹ đẻ lứa tiếp, chị sẽ bán bê con để làm vốn đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình.Giống như chị Hiếu, gia đình chị Giang ở thôn Khuổi Tại, xã Thanh Bình (Chợ Mới) được nhận bò giống, hiện nay bò đang phát triển khoẻ mạnh.

Các chị chia sẻ “Vui lắm, thế là sau gần 2 năm nhận bò giống, nay đã có bê để luân chuyển, gia đình tôi thực sự đã được sở hữu con bò giống của chương trình "Ngân hàng bò" rồi. Đây sẽ là động lực để gia đình tôi tiếp tục vượt khó, vươn lên thoát đói nghèo”. Qua kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2016 đã có 12/81 hộ được hưởng lợi của mô hình “Ngân hàng bò” thoát nghèo, nhiều hộ khác được hưởng lợi đang cố gắng thoát nghèo trong thời gian tới.

Từ những kết quả ban đầu, có thể khẳng định mô hình “Ngân hàng bò” đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên phụ nữ nghèo. Đây không chỉ là “chiếc cần câu” giúp cho chị em có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Hy vọng rằng trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để “Ngân hàng bò” ngày càng phát triển mở rộng quy mô, trao thêm những niềm vui, hy vọng mới cho các hộ hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hứa Đẹp, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video