“Nữ Oa” của ngành công nghệ máy tính Trung Quốc

11/04/2020
Xia Peisu (28/7/1923 - 27/8/2014) là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về công nghệ. Bà đã giúp Trung Quốc vươn lên trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính.
Nhà khoa học máy tính Xia Peisu

Dày công nghiên cứu

Bà Xia Peisu sinh ra trong một gia đình trí thức ở Đông Nam Trùng Khánh (Trung Quốc). Từ nhỏ, bà đã giỏi Toán học. Bà tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tử tại Đại học Quốc gia Trung ương năm 1945 và tiếp tục học lên tiến sĩ về kỹ thuật điện tại trường Đại học Edinburgh (Scotland). Trong luận án có tên "Dao động tham số trong mạch điện tử" của mình, bà đã phát triển phương pháp có thể dự đoán chính xác hơn các biến đổi về tần số và biên độ trong các hệ thống điện tử. Nhờ đó, các ứng dụng được sử dụng rộng rãi cho bất kỳ hệ thống nào với một tần số điện từ đài phát thanh, truyền hình đến máy tính. 

Bà gặp gỡ ông Yang Liming, cựu sinh viên của Đại học Quốc gia Trung ương và kết hôn năm 1950, khi cả hai cùng học tại Đại học Edinburgh. Ông Yang sau đó trở thành một nhà vật lý nổi tiếng. Cặp đôi này có hai con trai: Yang Yuvian và Yang Yuemin. Theo chí hướng của bố mẹ, Yuvian trở thành một nhà khoa học máy tính và Yuemin là một nhà vật lý.

Năm 1949, ông Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Để vực dậy nền kinh tế, công nghiệp và cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ với Liên Xô và nhận được sự viện trợ về khoa học công nghệ, bao gồm cả công nghệ máy tính. Bà Xia Peisu trở nên gắn bó mật thiết với mối quan hệ đối tác Trung Quốc - Liên Xô khi bà được tuyển dụng vào nhóm nghiên cứu máy tính tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) năm 1953. Bà là 1 trong 3 thành viên sáng lập nhóm nghiên cứu máy tính đầu tiên của Trung Quốc. Hai đồng nghiệp của bà là Min Naida và Wang Chuanying.

Sau nhiều năm, nhóm CAS phát triển kế hoạch thiết kế máy tính điện tử nhưng mãi đến năm 1956, công nghệ máy tính mới được chính phủ xác định là một lĩnh vực công nghệ quan trọng để xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia.

Bà Xia Peisu khi còn trẻ

Trung Quốc hiểu rằng để cạnh tranh được với các cường quốc lúc đó như Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ thì họ phải có vị trí vững về kinh tế và quân sự. Bà Xia Peisu là nhân tố chủ chốt khi tham gia nghiên cứu và học tập tại Liên Xô về máy tính. Sau đó bà đã thực hiện dịch thuật văn bản hướng dẫn 1.000 trang về thiết kế máy tính từ tiếng Liên Xô sang tiếng Trung để dạy cho sinh viên trong nước. Nhờ bảo trợ của CAS, bà thành lập một bộ phận khoa học máy tính với Viện Công nghệ Máy tính, đào tạo hàng trăm sinh viên từ năm 1956 đến năm 1962.

Chiếc máy tính đầu tiên mang thương hiệu Trung Quốc

Năm 1959, Trung Quốc thành công trong việc nhân rộng hai thiết kế máy tính điện tử có mô hình 103 và 104, mỗi mô hình dựa trên máy tính M-3 và BESM-II của Liên Xô. Thế nhưng, khi Trung Quốc vừa có những tiến bộ đầu tiên trong sản xuất máy tính, mối quan hệ hai nước bị rạn nứt và Liên Xô rút toàn bộ viện trợ công nghệ khỏi Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu CAS tiếp tục tự mình theo đuổi công nghệ khoa học máy tính. Tháng 4/1960, chiếc máy tính cho mục đích điện toán model 107 lần đầu tiên được chế tạo tại Trung Quốc. Kỹ sư, nhà chế tạo máy Xia Peisu đã làm nên lịch sử cho nền máy tính nước này. Model 107 chính là chiếc máy tính đầu tiên mà Trung Quốc tự phát triển sau khi Liên Xô ngưng hỗ trợ đầu tư. Model này không dựa trên thiết kế của Liên Xô như model 103 và 104. Đây là phiên bản nội địa đầu tiên và sớm được nhân rộng trên khắp các cơ sở đào tạo của Trung Quốc.

Không chỉ chế tạo máy tính, bà Xia Peisu đã mang lại nhiều giá trị hơn cho ngành công nghiệp máy tính Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo. Bà đã xây dựng các tổ chức khoa học máy tính và phát triển tài liệu đi kèm để đào tạo hàng trăm sinh viên cho ngành khoa học máy tính Trung Quốc. Sau những thiệt hại từ chiến tranh, những đóng góp mang tính định hình và phát triển công nghiệp cho đất nước của bà có sức ảnh hưởng cho đến ngày nay. Bà có nhiều đóng góp cho nghiên cứu và thiết kế máy tính tốc độ cao; thiết kế bộ xử lý mảng tốc độ cao và một loạt máy tính song song ở Trung Quốc.

Hệ thống máy tính tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) mà bà Xia Peisu nghiên cứu nhiều năm

Trong suốt những năm 1960, Trung Quốc tiếp tục phát triển các máy tính tinh vi và mạnh hơn tại CAS. Năm 1972, một phái đoàn khoa học máy tính Mỹ đến thăm Trung Quốc, họ đã bất ngờ về những gì Trung Quốc làm được. Năm 1978, bà Xia Peisu thành lập Tạp chí Máy tính Trung Quốc và Tạp chí Khoa học và Công nghệ Máy tính, tạp chí tiếng Anh đầu tiên về máy tính của nước này. Năm 1981, bà đã phát triển thành công bộ xử lý tốc độ cao 150AP, tăng tốc độ hoạt động của máy tính lên 20 triệu mỗi giây.

Bà và chồng mình được bầu làm học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc năm 1991. Nhờ vào đóng góp của bà Xia Peisu, nền khoa học máy tính được nghiên cứu độc lập và ngành công nghiệp sản xuất máy tính của nước này dần dần lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với thế giới. Ngoài ra, sức ảnh hưởng của bà Xia Peisu lan tỏa đến cả những thế hệ học trò của bà. Nhà thiết kế của CPU Loongson, một sinh viên cũ của bà Xia Peisu, đã vinh danh người cố vấn của mình bằng cách đặt tên cho chip xử lý CPU đầu tiên của Trung Quốc là "Xia Xia 50" năm 2002.

Bà đã nghiên cứu phát triển các hệ thống máy tính phân tán chức năng và phân phối thành công các máy tính dòng GF10, sau này là một trong những dự án nghiên cứu chính về công nghệ thông tin của Trung Quốc trong một thời gian dài. Năm 2010, bà được vinh danh với giải thưởng Thành tựu trọn đời của Liên đoàn máy tính Trung Quốc. Từ năm 2011, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia đi đầu thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính PC. Phân khúc này dự kiến sẽ mang lại doanh thu 6,4 tỉ USD trong năm 2020.

Bà Xia Peisu qua đời ngày 27/8/2014 ở tuổi 91 tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản ở Bắc Kinh. Bà dành cả cuộc đời của mình cho nghiên cứu khoa học. Được mệnh danh là "Nữ Oa" của ngành công nghệ máy tính của Trung Quốc, từ năm 2015, tên bà được đặt cho giải thưởng vinh danh những nữ kỹ sư hoặc nhà khoa học nữ có đóng góp xuất sắc cho ngành công nghiệp, khoa học máy tính và giáo dục.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video