"Chị cả" giúp chị em phường Na Lay thoát nghèo

10/10/2010
Với tư duy "dám nghĩ, dám làm", đời sống của chị em phụ nữ phường Na Lay ngày một khấm khá, đầy đủ hơn, nhiều chị em đã thoát nghèo từ những mô hình kinh tế kết hợp. Có được thành quả đó phải kể đến vai trò rất quan trọng của "chị cả" Lò Thị Lả, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Na Lay, 5 năm liên tiếp (2006 - 2010) chị Lả được UBND TX. Mường Lay tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Chị Lò Thị Lả (bên trái) tư vấn cho chị em cách vay vốn và sử dụng vốn vay hiệu quả phát triển sản xuất.

Thay đổi tư duy

Cái biệt danh "Chị cả" dành cho chị Lò Thị Lả không còn xa lạ gì đối với chị em phụ nữ phường Na Lay, vì chị luôn là người "đi trước một bước", khuyến khích chị em vay vốn làm kinh tế mới, đưa các mô hình làm kinh tế kết hợp ở các địa phương khác phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Na Lay để áp dụng. Bằng nhiều hình thức hoạt động thiết thực gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, từng hoàn cảnh của chị em, Hội Phụ nữ phường Na Lay đã giúp nhiều chị em chủ động trong sản xuất để thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Hội phụ nữ phường Na Lay đã vận động và hướng dẫn, phổ biến kiến thức làm kinh tế cho chị em thông qua các mô hình thực tế tại địa phương, kết hợp hỗ trợ vốn đúng lúc, đây chính là “chìa khóa” để giúp chị em vươn lên thoát nghèo.

Cùng với tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, tập huấn kỹ thuật, Hội phụ nữ phường còn chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình làm kinh tế, mở các lớp tập huấn ngay tại địa phương, tạo điều kiện cho chị em tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trong và ngoài tỉnh. Nhiều hội viên Hội phụ nữ phường đã thoát nghèo nhờ áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, như: chị Lò Thị Đàm (bản Hốc), chế biến đậu phụ kết hợp chăn nuôi lợn; chị Vàng Thị Thời (bản Nậm Cản) chăn nuôi vịt, gà, ngan siêu đẻ; Mào Thị Chiến (bản Na Nát) với mô hình chăn nuôi dê...

Chị Lò Thị Lả cho biết: "Muốn thay đổi được người dân, đặc biệt là các chị em là người dân tộc thiểu số thì đầu tiên chúng ta cần phải là bạn, người thân của họ thì họ mới tin, rồi thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy là rất khó, đòi hỏi cần phải kiên nhẫn, vì không phải ai nói cũng hiểu, chúng ta nên đưa cho họ cái cần, hướng dẫn cách câu. Trước kia nhiều chị em trong hội phụ nữ phường Na Lay còn nghèo khi chúng tôi hướng dẫn họ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp với từng gia đình, tạo điều kiện tiếp cận với vốn vay, không ít gia đình đã ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Tính đến thời điểm này số vốn vay của 524 hội viên vay Ngân hàng Chính sách Xã hội TX. Mường Lay là 7,73 tỷ đồng. Từ số vốn đó nay nhiều hộ đã thoát nghèo, bước đầu ổn định kinh tế".

Dám nghĩ, dám làm

Cũng như bao gia đình thuần nông khác, nguồn sống của gia đình chị Mào Thị Chiến (bản Na Nát) trước đây chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng nên kinh tế rất khó khăn. Nay phục vụ việc di dân tái định cư làm lòng hồ thủy điện Sơn La, nên tất cả đất ruộng, vườn nhà cũ sẽ nằm trong lòng hồ. Nguồn thu nhập thường xuyên không còn nhưng chị không cam chịu mà luôn suy nghĩ tìm cách thoát nghèo. Cùng với sự động viên kịp thời của chị Lả và chị em trong Hội phụ nữ phường Na Lay, chị tìm hiểu mô hình nuôi dê. Bắt đầu từ những buổi tập huấn kỹ thuật nuôi dê, vệ sinh chuồng trại, chuẩn đoán bệnh... rồi được vay vốn dành cho hộ nghèo, gia đình chị quyết định thực hiện mô hình nuôi dê. Với số vốn vay ít ỏi 30 triệu đồng ban đầu, gia đình chị Chiến đã mua 10 con dê con về nuôi. Bằng kiến thức học hỏi được, đàn dê nhà chị sinh trưởng và phát triển khá nhanh. Đến nay đàn dê của gia đình chị đã lên tới gần 30 con. Gia đình chị trở thành địa chỉ chuyên cung cấp dê thương phẩm cho các cửa hàng đặc sản ở TX Mường Lay, TP. Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo. Chị Chiến cho biết: "Chị em đến xem mô hình thoải mái, ai tới hỏi mua dê làm giống mà chưa có tiền tôi còn bán chịu, khi nào bán được dê trả chưa muộn. Thật sự gia đình rất vui, không ngờ mình có được ngày hôm nay, tất cả là nhờ vào Hội phụ nữ phường đặc biệt "chị cả" Lò Thị Lả đã quan tâm và giúp đỡ".

Còn chị Vàng Thị Thời, bản Nậm Cản tâm sự: "Sau khi được nhà nước chuyển về nơi ở mới, gia đình tôi cũng có ít vốn, muốn làm kinh tế để cuộc sống ổn định hơn, nhưng thấy thị xã vẫn chưa hoàn chỉnh nên chưa biết đầu tư vào đâu. Đến gặp chị Lả, chị đã tư vấn gia đình tôi nuôi gà, ngan, vịt siêu đẻ theo mô hình chăn nuôi sạch chuyên cung cấp trứng cho các cửa hàng ngay tại thị xã. Chỉ chưa đầy 1 năm, gia đình tôi đã có thu nhập cả trăm triệu đồng. Từ việc không biết làm gì với số vốn ít ỏi nay cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, nhiều chị em đã tới tham quan, học hỏi.

Nhờ thay đổi tư duy "dám nghĩ, dám làm", cùng với sự giúp đỡ của "Chị cả" Lò Thị Lả và Hội Phụ nữ phường Na Lay giờ đây, cuộc sống nhiều chị em không còn quá khó khăn.

 
Bài, ảnh: Hải Chung (theo báo Điện Biên)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video