"Diễn đàn Quốc hội đã giúp tôi trưởng thành hơn!"

21/04/2016
“Sẽ vô cùng hạnh phúc nếu không còn là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nữa mà vẫn được người dân gửi gắm và tin tưởng. Nếu nhận được sự phản ánh của cử tri, tôi sẵn sàng tìm cách chuyển tải những ý kiến đó của người dân đến Quốc hội thông qua nhiều kênh khác nhau. Tất nhiên, đó phải là những kiến nghị xác đáng, phù hợp và đúng pháp luật”.

Đó là những chia sẻ của ĐBQH Đinh Thị Mai Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với PV báo Đời sống & Pháp luật.

Hạnh phúc vì được cử tri tín nhiệm, gửi gắm

Tôi được biết bà trở thành ĐBQH năm 32 tuổi. Khi tham gia Quốc hội, bà có cảm thấy áp lực không? Bà có bình luận gì về việc hiện nay có nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 23, 24 ra ứng cử ĐBQH?

Trước khi trở thành ĐBQH, năm 24 tuổi, tôi từng là Đại biểu, Ủy viên ban Pháp chế HĐND tỉnh Cao Bằng. Tôi đã có kinh nghiệm trong hoạt động dân biểu, xây dựng nghị quyết, tiếp xúc, tổ chức lấy ý kiến cử tri và thực hiện công tác giám sát. Mặc dù vậy, khi trở thành ĐBQH, tôi vẫn không tránh khỏi những áp lực nhất định. Quốc hội là một diễn đàn vô cùng lớn.

Đây là nơi đòi hỏi mỗi đại biểu phải thực sự chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả. Mỗi đại biểu đều có cơ hội và quyền ngang nhau trong thực hiện nhiệm vụ cũng như phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn, hành động của mình trước cử tri.

Quốc hội quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, bởi thế nếu không đủ năng lực và hiểu biết về nhiều lĩnh vực sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Với tâm thế như vậy, khi trở thành ĐBQH, tôi không ngừng nghiên cứu thêm kinh nghiệm từ các đại biểu đi trước và tự trau dồi kiến thức để có thể tham gia đóng góp vào các dự thảo luật, pháp lệnh và các báo cáo, cũng như chủ động giám sát, chất vấn trong quá trình tham gia hoạt động.

Việc nhiều bạn trẻ tham gia ứng cử ĐBQH khoá tới là điều rất đáng hoan nghênh. Điều này chứng tỏ ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến các vấn đề chính trị. Họ có đủ tự tin và có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, trở thành ĐBQH trẻ tuổi không phải là một trào lưu, mỗi bạn trẻ khi tự ứng cử nên xác định điều này phải dựa trên năng lực bản thân, phải thực sự tâm huyết và sẵn sàng cống hiến.

Quá trình đi tiếp xúc cử tri, họ đánh giá và nhận xét gì về các ĐBQH trong đó có bà. Những lần tiếp xúc như vậy, có bao nhiêu ý kiến, kiến nghị của cử tri được chuyển đến nghị trường để xem xét, giải quyết?

Tôi không trực tiếp nhận được những ý kiến nhận xét về mình. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động dân biểu, tôi nhận được nhiều tình cảm, sự gửi gắm ý kiến, kiến nghị của cử tri. Điều này chứng tỏ tôi được một số cử tri rất quan tâm và đặt niềm tin.

Trong nhiệm kỳ này, có một số việc đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đã làm được nhưng cũng còn nhiều nguyện vọng của người dân Đoàn vẫn chưa tác động có hiệu quả. Tuy vậy, cơ bản những kiến nghị của cử tri đều được chúng tôi tiếp thu và gửi đến những cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cụ thể, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, trong đó có cá nhân tôi, đã đóng góp được nhiều ý kiến trong quá trình tham gia vào công tác lập pháp, chất vấn và giám sát. Điều này chứng tỏ sự chuyển tải những kiến nghị của cử tri đã đến được diễn đàn Quốc hội và được xem xét, ghi nhận.

Đối với cá nhân tôi thì gần như các ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu. Mới đây nhất là kiến nghị mọi trẻ em đều có quyền được khai sinh trong dự thảo luật Trẻ em, đặc biệt là trẻ em không rõ quốc tịch của cha, mẹ.

Đây là bức xúc của nhiều cử tri trong quá trình tôi đi giám sát các tỉnh biên giới miền Nam và khi gặp gỡ cử tri ở tỉnh Cao Bằng. Vì thế tôi rất vui khi đã chuyển tải thành công kiến nghị của người dân, góp phần hoàn thiện thêm một quy định của pháp luật mà nếu như không đi giám sát thực tế có lẽ không bao giờ hiểu được.

Nếu không còn là ĐBQH nữa nhưng vẫn có những cử tri nhờ phản ánh tâm tư nguyện vọng của họ lên diễn đàn Quốc hội, bà sẽ tiếp tục giúp họ chứ?

Sẽ vô cùng hạnh phúc nếu tôi không còn là ĐBQH nữa mà vẫn được người dân gửi gắm và tin tưởng. Công việc sau này của tôi là nghiên cứu và tư vấn về chính sách, pháp luật. Tôi cho rằng, với công việc mà tôi theo đuổi sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn.

Nếu nhận được sự phản ánh của cử tri, tôi sẵn sàng tìm cách chuyển tải những ý kiến đó của người dân đến Quốc hội thông qua nhiều kênh khác nhau. Tất nhiên, đó phải là những kiến nghị xác đáng, phù hợp và đúng pháp luật.

Học được rất nhiều từ các ĐBQH lớn tuổi

Vốn là một nhà thơ, theo bà, quá trình làm ĐBQH có làm cho hồn thơ và ngòi bút của mình chín hơn, thăng hoa hơn không? Có bài thơ nào bà lấy ý tưởng từ những chuyến đi thực tế trong quá trình tiếp xúc với cử tri?

Tôi xuất thân là người làm công tác liên quan đến pháp luật. Sáng tác thi ca chỉ là một cách giải toả tâm trạng, thể hiện tình cảm và làm phong phú thêm đời sống của mình. Trở thành ĐBQH giúp tôi thực tế hơn, song làm thơ lại khiến tôi mềm mại hơn trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Từ khi trở thành ĐBQH, tôi dành nhiều thời gian cho việc viết về chính sách và phân tích pháp luật.

Đúng là tôi có nhiều tứ thơ được bắt gặp tình cờ từ các chuyến đi tiếp xúc cử tri. Đó là những cơ duyên nghệ thuật tuyệt vời. Có thể kể đến như bài Về Cao Bằng trong đó có câu "Về Cao Bằng tôi nhặt, đầy một trời nắng rơi". Đây là khung cảnh tôi gặp khi đi tiếp xúc cử tri huyện Bảo Lạc hoặc những bài thơ về Huế, về sự trăn trở của những vị vua xưa...

Trong thời gian làm ĐBQH khóa XIII, là nữ đại biểu trẻ, bà rút ra được những bài học quý giá nào từ các đại biểu có kinh nghiệm, lớn tuổi?

Diễn đàn Quốc hội là môi trường hoạt động rất chuyên nghiệp, nhiều cơ hội tiếp cận, thảo luận những vấn đề lớn. Làm việc tại nghị trường giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều.

Được gặp nhiều đại biểu có kinh nghiệm, tôi học tập ở họ sự nhiệt huyết, hăng say trong nghiên cứu, trong cách thức thể hiện quan điểm cũng như cách bảo vệ các quan điểm đó. Tôi học tập ở họ tâm thế của một đại biểu của dân trước những vấn đề khó, phức tạp và thậm chí là nhạy cảm.

Quãng thời gian làm ĐBQH không chỉ mang lại cho tôi niềm vinh dự, tự hào và những kỷ niệm thú vị mà còn giúp tôi có được những trải nghiệm sâu sắc, những hiểu biết rộng hơn. Đồng thời cũng cho tôi có được một tuổi trẻ đầy ý nghĩa.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Những kỷ niệm không thể nào quên

ĐBQH Đinh Thị Mai Lan, SN 1979, là một trong những ĐBQH trẻ tuổi của Quốc hội khóa XIII. Bà Lan vốn là một thạc sỹ luật và hoạt động năng nổ trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. ĐBQH Mai Lan hiện đang là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng

Trong đời thường, nữ ĐBQH này còn được biết đến với khả năng sáng tác thơ ca với những câu thơ cháy bỏng, mượt mà. Tâm sự về quãng thời gian làm ĐBQH, bà Đinh Thị Mai Lan cho rằng: “Hơn 10 năm làm đại biểu của dân, không ít niềm vui, nỗi buồn và cả những trăn trở, suy tư đã trở thành những ký ức quý báu của tôi.

Thật khó nói đâu là kỷ niệm vui nhất vì mỗi chuyến đi đều để lại những dấu ấn khó quên. Công tác ở vùng cao, những lần đi giám sát, đường lầy, xe không thể đi, chúng tôi đều xắn quần lội bộ và kể chuyện cười mà không ai thấy mệt. Xúc động lắm khi có lần xuống cơ sở, cử tri mang biếu đại biểu bí xanh, rau sạch hay những lần cả đoàn đến ngủ lại ở đồn biên phòng trong cái rét âm độ C để sáng mai tiếp xúc cử tri sớm...

Đó là những kỷ niệm mà có lẽ chỉ có đại biểu miền núi như chúng tôi mới may mắn có được”.



Theo: Trinh Phúc, Báo Đời sống & Pháp luật (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video