"Hỏi đi, mẹ kể cho nghe..."

01/04/2005
Chưa bao giờ tôi được gặp nhiều bà mẹ đến thế, cũng chưa bao giờ tôi nhận ra những bà mẹ lại giống nhau đến thế. Những nụ cười hiền lành, những ánh mắt trìu mến, những nếp nhăn của thời gian, của vất vả, những vết hằn của đau đớn, của nước mắt, những câu chuyện hào hùng và bi thiết... Thì ra người ta có thể giống nhau đến thế, nhất là khi đó là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong buổi “Họp mặt 30 năm đại biểu phụ nữ miền Nam”, các mẹ ngỡ ngàng bước trên những hành lang dài và lộng lẫy của Dinh Thống Nhất, các mẹ chuyền cho nhau những mẩu khoai mì chấm muối đậu khi đi thăm Địa đạo Củ Chi, các mẹ gọi nhau chụp ảnh ở góc này, góc nọ trong khu du lịch Suối Tiên... Rồi các mẹ rưng rưng nước mắt trước những bức tượng trong Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, những câu chuyện về ngày xưa chợt cuộn về...

Lên khỏi địa đạo Củ Chi, mẹ Nguyễn Thị Nguyệt (Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Quảng Trị) cứ bâng khuâng mãi. Mẹ nhớ chuyện xưa, chỉ cái địa chỉ thị xã Đông Hà nhà mẹ cũng đã nói lên rất nhiều. Thành cổ Quảng Trị có nghĩa là hàng tấn bom trên từng mét vuông đất, một con trai của mẹ đã hi sinh trên chính những viên gạch thành cổ trong mùa hè đỏ lửa năm1972. “Ông ấy cũng hi sinh ở gần thành cổ, và đứa con gái nữa...”, mẹ gượng nhẹ nhắc lại những vết đau của cuộc đời. Còn mẹ, những năm bom đạn ấy? Mẹ bật cười trước câu hỏi của tôi và vẫn rất nhẹ nhàng: “Bom pháo nhiều thật, tứ phía xung quanh nhưng cũng đâu có nát hết đất mình được. Mẹ bám đất, bám làng không rời đi đâu hết, vì bộ đội chiến đấu phải có người nuôi...”. Ra vậy! Với mẹ, chỉ đơn giản là nấu nồi cơm, luộc củ khoai, dọn chén muối cho con, cho đồng đội của con vậy thôi, dù cho quả bom có lúc đã nổ tan căn hầm bên cạnh.

Hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Á, Trịnh Thị Kính của Quảng Ngãi cũng nhẹ nhàng như thế với những câu chuyện về cuộc đời. Hai mẹ nghỉ ở phòng sau chuyến đi địa đạo và xuýt xoa tiếc rẻ nghe bà Trần Thị Tùng -một cán bộ lão thành của Quảng Ngãi- kể về những bức tượng, bức ảnh trong Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

 

Vì mệt mỏi, đau chân mà hai mẹ đã không đến xem được tượng “Cô gái vót chông”, không thấy được hình tượng người phụ nữ vừa cho con bú vừa bắn máy bay, nhưng như bà Tùng bảo: “Tôi khóc khi nhìn thấy bức tượng, nhớ đến mình, đến các mẹ, ngày xưa... y như vậy”.

 

Mẹ Á kể về trò chơi tuổi nhỏ của các con trai mẹ: “Bọn chúng cứ hay đố nhau: cây AK (súng của du kích) với cây AR15 (súng của lính ngụy), mày chọn cây nào?”. Anh nào cũng chọn AK, anh nào cũng thoát ly khi mới 16 tuổi. “Chúng đi, chỉ xin mẹ mua cho hai cái quần kaki mốc, rồi ba đứa nối nhau mà hi sinh”. Sống sát ngay cạnh địch, hay tin con hi sinh mẹ cắn răng không rơi một giọt nước mắt, thắt ruột xoay xở, mò mẫm trong đêm tối tìm cách đưa con về chôn cất.

 

Mẹ Kính trào nước mắt nhớ đến con mình qua câu chuyện của mẹ Á. Tôi hỏi, mẹ lắc đầu: “Cũng vậy thôi”, nghĩa là hai con trai của mẹ cũng hi sinh khi vừa 18 tuổi. Mẹ lại còn phải chứng kiến chồng mình tả tơi sau cuộc tra tấn bị giặc đưa ra bắn ngay giữa làng vì tội theo Việt cộng. Mẹ lại còn bị chúng treo ngược, đổ nước vôi suốt mấy tháng trời vì tội để con theo bộ đội, nên mẹ mới 75 tuổi, nhỏ tuổi nhất trong mấy Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng lại mang bệnh nhiều, đi không kịp đoàn...

Những nỗi đau, những vết thương đã hằn sâu trên da thịt các mẹ, hình thành nên chính cuộc sống của các mẹ, các chị để có được những nụ cười, những giọng kể thật thanh thản như thế. Tôi cứ rụt rè mãi khi đề cập những nỗi đau, còn các mẹ lại cười: “Cứ hỏi đi mẹ kể cho mà nghe. Chừng vài năm nữa, tổ chức họp mặt thế này không còn mẹ đâu!”.

 

Trong câu chuyện mừng mừng tủi tủi của hai mẹ Trần Thị Khả (Lâm Đồng) và Hồ Thị Hiếu (Khánh Hòa) sau hơn 30 năm không gặp nhau, tôi nghe mẹ Hiếu kể: “Hòa bình rồi tôi mới lấy chồng, nương tình nương nghĩa mà sống với nhau. Hồi đó hoạt động, bị bắt, bị đánh sa dạ con mà đã chồng con chi đâu...”.

Những câu chuyện với các bà mẹ bao giờ cũng kết thúc bằng câu “Có dịp, mời con đến nhà chơi...”. Trò chuyện với các bà mẹ VN anh hùng hôm nay, tôi chợt giật mình khi nghe các mẹ nói thêm: “Nhà mẹ rất hay có giỗ...”.

Theo báo Tuổi trẻ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video