"Một nửa thế giới" với ngành công nghệ thông tin

10/11/2004
Tỉ mỉ, cẩn thận, tính ổn định cao... là những phẩm chất giúp người phụ nữ không thua kém gì nam giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và làm phần mềm nói riêng. Nhưng thực tế, tỉ lệ phái yếu trong ngành này vẫn còn rất khiêm tốn.

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do nhận thức và những áp lực công việc. Hiện ở Việt Nam, tỉ lệ nữ trong ngành công nghệ thông tin tương đối thấp, chỉ vào khoảng 15%. Đặc thù của một ngành nghề hiện đại đã gây cản trở việc tham gia của người phụ nữ vì những áp lực rất vất vả. Điển hình là công việc lập trình hoàn toàn không nhẹ nhàng và "quý tộc" như nhiều người tưởng tượng, đặc biệt là vào giai đoạn thay đổi thiết kế hoặc phải giao dự án đúng hạn thì thức đêm và làm việc vào những ngày nghỉ là chuyện bình thường. Trong khi đó, người phụ nữ còn phải đối mặt với những công việc xã hội, con cái, gia đình...


Chị Minh Hoà, Giám đốc dự án một công ty phần mềm trong nước, cho biết: "Mình cứ ở cơ quan suốt ngày, ăn uống thì thất thường. Hiện giờ thì chồng và gia đình chưa có ý kiến gì. Nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này chắc cũng không ổn".


Để nổi bật trong một lĩnh vực nào đấy đòi hỏi có những tố chất nhất định. Đối với từng người cũng có những tiêu chí riêng của bản thân. Vấn đề là trong mục đích phấn đấu của mỗi người, điều gì có ý nghĩa hơn. "Nhiều khi mình cũng không thể biết cái gì là quan trọng hơn cái gì. Phấn đấu hết mình, đánh đổi nhiều thứ lấy một mà rồi cũng chẳng biết để làm gì. Sự nghiệp thành đạt thì mình cũng thích, nhưng còn gia đình và con cái thì ai sẽ chăm lo", chị Hương, một lập trình viên nhưng đã chuyển sang làm nhân viên văn phòng, tâm sự.


Chị Hoà và nhiều lập trình viên có kinh nghiệm đều cho rằng bước chân vào nghề là phải xác định cho mình việc phải vận động không ngừng về mọi mặt. Công nghệ thông tin là ngành có những thay đổi theo từng giờ. Áp lực lớn nhất là phải thường xuyên nắm bắt, học tập những công nghệ mới trong bối cảnh vẫn phải sử dụng những kiến thức của mình để thực hiện công việc hàng ngày của mình. Đó là điểm khác biệt và khó khăn hơn rất nhiều so với các ngành khác mà ngay cả nam giới cũng không dễ gì vượt qua được.


"Thống kê ở nước ngoài cho thấy, trong ngành phần mềm nói chung, tuổi thọ trung bình của một lập trình viên là 6 năm. Sau thời gian ấy, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, một thế hệ trẻ hơn với sức chịu đựng tốt và khả năng nắm bắt công nghệ rất nhanh bước chân vào nghề. Khi đó, không dễ mà những người có thâm niên đã cạnh tranh nổi với lực lượng mới đó, trừ những kinh nghiệm, kiến thức quản lý", TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội tin học TP HCM, phân tích. "Giải pháp cho những người có 'thâm niên' là phải nỗ lực lớn để có thể nâng mình lên ở vị trí quản lý cao hơn. Công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung không dành cho những người yên tâm với một vị trí công việc kéo thời gian dài. Và có vẻ như điều đó thì không thích hợp với nhiều người phụ nữ".


Yếu tố tâm lý cũng góp phần quan trọng trong việc chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai. Ngay ở các nhà trường phổ thông, xu hướng là học sinh nữ thì theo đuổi các môn xã hội, trong khi những môn tự nhiên đòi hỏi tư duy logic nhiều hơn (trong đó có tin học) thì các em nam lại ham hơn. "Dù là cố ý, hay vô tình thì những định hướng đó cũng tạo thành một quan niệm chung của xã hội và đã có nhiều người bỏ lỡ những cơ hội và khả năng của mình", ông Tùng nói.

Một minh chứng rõ ràng nhất là trong các cuộc thi Tin học trẻ không chuyên tại Hà Nội và toàn quốc năm nay, số lượng thí sinh nữ tham gia là không đáng kể. Ở mỗi cuộc thi trên, lọt vào đến vòng chung kết đều chỉ có duy nhất 1 em gái.


Tại Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Hà Nội - Aptech, hiện số học viên nữ chỉ khoảng 20%. Trong nhiều năm hoạt động và chiêu sinh, lúc nào học viên nam của trường cũng chiếm số lượng áp đảo.


"Tôi cho rằng phụ nữ rất hợp với công việc là một lập trình viên vì họ đặc biệt nhạy cảm. Người làm lập trình rất cần sự nhạy cảm", ông Nguyễn KhắcThành, Giám đốc Trung tâm Aptech - Hà Nội, nhận định. "Tuy nhiên, bản thân nhiều người phụ nữ nghĩ rằng mình không hợp với nghề này và cũng không có ai nói hay phân tích cho họ biết rằng phụ nữ nên làm nghề này. Ngay cả dư luận xã hội cho là lĩnh vực công nghệ thông tin không phải để dành cho người phụ nữ".


Hầu hết các chuyên gia trong ngành và những nhà giáo dục đều cho rằng để có thể khuyến khích phụ nữ tham gia và phát huy những khả năng của họ trong ngành công nghệ thông tin thì cần phải có những tác động từ xã hội. Câu chuyện từ Ấn Độ, một cường quốc công nghệ thông tin ở châu Á, là ví dụ rất cụ thể. Trong bối cảnh nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng rất nhanh của công nghệ, người ta mới nhận ra là sự tham gia của phụ nữ rất ít và một trong những cách để giải quyết bài toán nhân lực là tăng cường số lượng chị em cho ngành. Nhưng để thực hiện thành công thì ngoài việc đào tạo, chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ còn thực thi các chính sách liên quan đến lương, chế độ làm việc rất ưu đãi cho người phụ nữ. Ví dụ như trả lương cao hơn nam, hoặc cho phép làm việc ở nhà thông qua những hệ thống mạng giao tiếp với công ty (tất nhiên là chỉ đối với các chuyên gia cao cấp)… Những hành động đó đã thu hút được số lượng lớn phụ nữ Ấn Độ tìm đến với công nghệ thông tin. Và "một nửa thế giới" đã là động lực không nhỏ thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin của quốc gia đông dân này.

Theo VNE

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video