"Tôi muốn được là người Việt Nam!"

22/07/2005
Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của chị làm vào đầu năm 2004, có đoạn: "Nay tôi làm đơn này kính đề đạt nguyện vọng sớm được mang quốc tịch Việt Nam để hầu khi qua đời tôi được nằm chung chỗ với đồng đội chiến đấu -những người đã vào sinh ra tử và ước mơ của tôi sẽ là liệt sĩ với mộ bia mang tên Ngô Thị Bi-bi...".

Trong hai cuộc kháng chiến của quân dân ta không hiếm người nước ngoài tình nguyện là chiến sĩ đứng trong hàng ngũ Bộ đội Cụ Hồ. Nhưng chị nữ thương binh mang quốc tịch Pakistan hiếm hoi này ở giữa TP.HCM khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. 

 

Chị tên là Ma-ha-mát Bi-bi, như trong giấy chứng nhận thương binh mang số HM/AQ 4710 thuộc loại A với thương tật 2/4 (41%) do Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cấp ngày 7-4-1994. Chị còn có sổ bảo hiểm y tế và được khám chữa trị định kỳ hàng tháng vì thương tích trên người hiện vẫn hành hạ chị dù đã hơn nửa thế kỷ.

 

Bi-bi đi theo cách mạng Việt Nam từ nhỏ và đứng trong hàng ngũ chiến đấu của nhân dân ta trong trường hợp rất đặc biệt. Cha của chị là một thương gia giàu có người Pakistan. Trước năm 1945, ông mở cửa hàng vải ở Hà Nội, Sài Gòn rồi kết hôn với một thiếu nữ đất Tràng An. Mẹ chị qua đời lúc chị mới vài tuổi. Người cha rất mực yêu thương con, nên mỗi khi đi tới đâu buôn bán dài ngày, ông lại dẫn chị đi theo. Lên sáu tuổi Bi-bi theo cha đến Phnom Penh (Cam-pu-chia). Bởi ông muốn con gái mình hiểu biết tiếng Việt của mẹ nên ông nhờ người tìm thuê một nữ gia sư người Việt Nam. Cô giáo tên là Bùi Thị Năm vừa từ Sài Gòn lên đã được ông chọn làm công việc ấy. Nhưng ông đâu biết rằng cô giáo Năm cũng đã cùng chồng hoạt động cách mạng khi bọn mật thám Pháp theo truy sát, chồng cô đã phải thoát ly vào chiến khu, còn cô chạy lên Phnom Penh lánh nạn, may mắn được cha của bé Bi-bi thuê dạy học và cho ăn ở trong nhà luôn. Một hôm, bọn mật thám đánh hơi được, bám theo tận nơi ở của cô giáo Năm lúc ông chủ vắng nhà. Trong lúc thoát thân, cô giáo không thể bỏ bé Bi-bi lại một mình nên đành mang theo, trốn về Tân Châu (Châu Đốc - An Giang).

 

 Lúc này cô giáo Năm đã coi bé Bi-bi như con gái của mình nên chăm sóc rất chu đáo. Mỗi lần đi đâu cô Năm cũng đem bé theo. Một hôm, cô giáo chở bé Bi-bi bằng xe đạp đi tới một nơi rất xa chợ. Bi-bi nhớ lại:

 

 - Cô giáo Năm chở tôi tới một căn nhà nhỏ ở nơi hẻo lánh, tôi thấy có rất đông người. Giữa nhà có kê một cái bàn, trên đó trưng ảnh Bác Hồ và bình hoa. Tôi thấy cô giáo quỳ xuống và đưa tay thề. Về sau tôi mới biết hôm đó cô giáo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy tôi là con của gia đình Cộng sản rồi!

 

Một thời gian sau, cô giáo Năm được tổ chức phân công trở về Sài Gòn, ở ngã tư Hàng Xanh, Gia Định (nay là quận Bình Thạnh). Do điều kiện ăn uống kham khổ và công tác vất vả nên ít lâu cô giáo Năm ngã bệnh rồi qua đời. Trước khi mất, cô giáo đã gởi gắm Bi-bi cho mẹ nuôi mới. Đó là đồng chí Huỳnh Thị Một (sinh năm 1912), lúc ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308, Tư lệnh phó Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau ngày giải phóng, vào năm 1985, đồng chí Một đã làm giấy xác nhận chị Bi-bi và gia đình có công với cách mạng, tiếp tế thuốc tây, hóa chất, vải may và giúp đồng chí Đào Văn Chiếu thuộc Ban công tác thành đưa người ra căn cứ và rước cán bộ vào từ năm 1946 đến năm 1950. Lần ấy chị bị máy bay và pháo giặc chặn đánh ở bến đò Ông Cộ làm bị thương nặng.

 

Ngoài đồng chí Một là mẹ nuôi ra, chị Bi-bi còn có một mẹ nuôi nữa là đồng chí Huỳnh Thị Kiều (sinh năm 1918), sau ngày giải phóng cũng đã làm giấy xác nhận chị Bi-bi là người có công giúp Ban công tác của đồng chí Nguyễn Đình Châu đưa người ra vào căn cứ An Phú Đông và vận động các cửa hàng vải ở Sài Gòn tiếp tế ủng hộ cách mạng. Đồng chí Kiều sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mấy năm trước đây, Mẹ Kiều qua đời, chị Bi-bi đã đến chịu tang và hiện chị còn giữ gìn cẩn thận mấy tấm ảnh chụp chung với các con cháu của mẹ nuôi trước linh cữu mẹ Kiều mà chị luôn coi như báu vật.

 

Vào ngày 15-3-1989, Ủy ban nhân dân quận Một đã chứng nhận thành tích kháng chiến chống thực dân Pháp của Bi-bi trong hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng thưởng.

 

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chị Bi-bi hoạt động khắp  nội thành lẫn vùng ven. Chị làm  giao liên và tiếp liệu cho các căn cứ ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Củ Chi, An Phú Đông và Tân Thới Hiệp, nay thuộc quận 12. Chính ở Tân Thới Hiệp, chị lưu lại nhiều ngày để cùng tham gia công tác tuyên truyền và cùng các lực lượng dân quân chiến đấu. Thời gian này thực dân Pháp đã quay lại Sài Gòn và Ủy ban Kháng chiến vừa rút ra ngoại thành để lập các căn cứ kháng chiến lâu dài. Nhắc lại thời kỳ ấy, chị bảo: "Cứ vào buổi chiều tôi lại làm phát thanh viên cho trạm phát thanh xã để đọc những bản tin tuyên truyền và vận động nhân dân trong vùng địch tạm chiếm không đi theo giặc, ủng hộ chính quyền cách mạng và tham gia chiến đấu khi giặc tấn công vào căn cứ". Những người sống gần chị thì kể: Đến giờ mà chị Bi-bi còn thuộc nhiều bài hát, bài thơ cách mạng của thời ấy. Thỉnh thoảng lại thấy chị say sưa đọc lại các bản tin ngày nào, rồi đọc thơ và hát những bài ca cánh mạng, chúng tôi biết chị lại vừa gặp một niềm vui nào đó...

 

Có lúc, chị cũng được cách mạng giao cho nhiệm vụ liên lạc và giúp đỡ các đồng chí bị giặc Pháp bắt và giam giữ ở nhà tù trong nội thành Sài Gòn như bốt Ca-ti-nát, khám lớn... Vì chị có dáng dấp người phương Tây nên dễ dàng làm quen, hỏi thăm tin tức ở các quan lính Pháp. Chị từng được ông Đào Văn Tập, người mà chị vẫn gọi là "thầy", thường xuyên chỉ dẫn cách thức hoạt động trong lòng địch và đối phó với địch từng trường hợp một. Có khi chị đi làm giao liên ở mãi tận vùng sâu ô Môn, Phụng Hiệp thuộc miền tây Nam Bộ... Rồi một buổi chiều, trong lúc đưa cán bộ và chiến sĩ cách mạng xâm nhập vành đai Gia Định-Sài Gòn từ phía Tân Thới Hiệp và căn cứ An Phú Đông, chị bị địch phát hiện ngay bến đò thuộc cánh đồng Ông Cộ, nay là phường 12,14, 24 quận Bình Thạnh và chị đã bị thương nặng. 

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, mặc dù vết thương trên người còn hành hạ, nhưng Bi-bi vẫn tiếp tục hoạt động và làm cơ sở cách mạng ở nội thành Sài Gòn - Gia Định suốt trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ. Thời gian đầu, chị nhận nuôi dưỡng ba đứa con của liệt sĩ nhưng do sức khỏe còn yếu nên chị phải nhờ cha của mình lúc về nước đem theo để có điều kiện nuôi dạy cho chúng nên người. Ông Ma-ha-mát A-li-hát rất thương con gái nên không từ chối. Hiện nay, cả ba cháu đã nên người và lập gia đình ở châu Ấu, thỉnh thoảng lại liên lạc với chị.

 

 Ảnh minh họa
Chị thương binh Ngô Thị Bi-bi và đứa cháu ngoại nuôi.
Quyết định dành nơi ở của mình để làm điểm hội họp và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động nội thành, suốt những năm tháng chống đế quốc Mỹ, chị Bi-bi đã phải thay đổi chỗ ở nhiều lần qua nhiều địa điểm khác nhau nhằm che giấu sự theo dõi của địch, bảo đảm an toàn cho cán bộ vào ra thành phố. Những ngôi nhà này đều do phía cách mạng giao cho chị ở để làm nhiệm vụ.

 

Hơn mười năm sau giải phóng, ngày 17-12-1985, bà Trần Thị Ninh là cán bộ hưu trí ở phường 1 quận Bình Thạnh đã xác nhận để lập hồ sơ cho chị Bi-bi xin cấp sổ thương binh. Bà Ninh cho biết: "Cô Hélène (Bi-bi) là người giữ cơ sở cách mạng ở số 1 Cao Đạt, 55 Nguyễn Hoàng và 31 lô G cư xá Thanh Đa là cơ sở tôi thường lui tới để hoạt động từ 1955 đến năm 1975..."

 

Vào ngày 10-9-1993, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã xác nhận "thời điểm nhập ngũ của chị Bi-bi là vào năm 1945, liên lạc viên của Trung đoàn 308, lúc đang phục vụ chiến đấu bị thương do máy bay oanh tạc...". Giấy chứng nhận thương binh của chị được cấp đã dựa vào cơ sở này.

 

Năm nay chị Bi-bi đã 74 tuổi, không chồng con nhưng lại có trên mười người con nuôi, phần lớn là con liệt sĩ, gia đình cách mạng. Hầu hết những người con này hiện đã lớn khôn, hạnh phúc, thành đạt. Sức khỏe của chị lúc này không tốt lắm, nhất là vào những ngày mưa gió, ẩm ướt. Chị cảm thấy bần thần, mỏi mệt trong người. Ngược lại những ngày nắng ráo, chị trở nên phấn khởi, vui vẻ và thích trò chuyện với mọi người.

 

"Tôi không cảm thấy cô đơn và khó khăn về đời sống" -  chị khoe với mọi người như vậy – “vì ngoài mấy đứa con thường xuyên chăm sóc, tôi còn được bà con gần xa tới lui thăm viếng và tặng quà, thức ăn đủ thứ. Tôi hạnh phúc lắm đó!".

 

Mới đây, khi biết chị hay đau yếu, mệt mỏi do ảnh hưởng của các vết thương và sức khỏe tuổi già, một nữ luật sư hàng xóm đã mua tặng chị chiếc máy tập thể dục và hướng dẫn chị tập luyện tay chân hàng ngày.   

 

Vào lần đầu gặp gỡ tại nhà chị căn gác thuê ở lầu 1 đường Lê Thành Tôn, phường Bến Thành, chị Bi-bi đem hồ sơ ra khoe với chúng tôi:

 

Mình đã làm xong thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam và đang chuẩn bị gởi đơn xin Chủ tịch nước ký quyết định cho nhanh vì sợ sức khỏe của mình không cho phép!

 

Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của chị làm vào đầu năm 2004, có đoạn: "Nay tôi làm đơn này kính đề đạt nguyện vọng sớm được mang quốc tịch Việt Nam để hầu khi qua đời tôi được nằm chung chỗ với đồng đội chiến đấu - những người đã vào sinh ra tử và ước mơ của tôi sẽ là liệt sĩ với mộ bia mang tên Ngô Thị Bi-bi..."      

 

Trong hồ sơ này, có giấy xác nhận của ngài Zahid Ali - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội như sau: "Theo Đạo luật quyền Công dân 1951, chứng nhận cô Ma-ha-mát Bi-bi con của ông Ma-ha-mát A-li-hát đã từ bỏ quyền công dân của Pakistan. Cô ta đã nộp hộ chiếu của cô số AE 628953, số J866557 ngày 26 tháng 5 năm 2004".

 

Mong sao sớm đến ngày chị Bi-bi được toại nguyện hoài bão cuối cùng của mình là làm công dân của nước CHXHCN Việt Nam mà cô đã tham gia suốt hai thời kỳ chiến tranh vệ quốc thần thánh của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Theo báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video