“Sống khỏe” nhờ xưởng may gia đình

21/04/2016
Hơn 3 năm qua, không cần mở cửa hàng, cũng không cần quảng cáo, nhưng nhiều chị em phụ nữ thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm vẫn “sống khỏe” với nghề may quần áo thời trang… ngay tại nhà.

Những năm trước, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (30 tuổi) luôn gặp khó khăn khi nguồn thu nhập chính của gia đình đều dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi của chồng. Nhưng cách đây 3 năm, chị đã mạnh dạn đầu tư máy may, nhận may gia công quần áo cho các cửa hàng thời trang ở Ninh Hiệp, nhờ đó thu nhập của gia đình chị Thúy đã ổn định hơn trước. Thêm vào đó, nhờ may ngay tại nhà nên chị vẫn có thể quán xuyến công việc gia đình và chăm sóc các con.

Không chỉ có chị Thúy, mà rất nhiều chị em khác ở chi hội phụ nữ thôn Trùng Quán, xã Yên Thường đang có nguồn thu nhập ổn định từ việc máy may quần áo tại nhà. Chị nguyễn Thị Thêu, hội viên phụ nữ xã Yên Thường, từng là công nhân may mặc cho một công ty may xuất khẩu, dù có thu nhập ổn định nhưng do phải đi làm ca, công ty lại xa nhà trong khi chị đang nuôi con nhỏ nên chị không có điều kiện chăm sóc con. Chị Thêu đã quyết định sử dụng mặt bằng có sẵn của gia đình để mở xưởng may và tuyển thợ may chính là các chị em trong thôn xóm. Đến nay, xưởng may của chị vừa sản xuất, vừa dạy nghề cho khoảng 10 chị em phụ nữ. Những người học nghề trong xưởng sau 3 tháng nếu có nhu cầu ở lại làm việc, sẽ được đáp ứng.

Mô hình may mặc tại gia của chị em thôn Trùng Quán phát triển hơn 4 năm qua, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm chị em tại địa phương. Hiện nay trên địa phương có khoảng 10 xưởng may gia đình. Các xưởng may này chuyên gia công các mặt hàng như quần, áo, khăn, túi…theo kiểu dáng do chủ hàng thiết kế. Mỗi xưởng đã tạo việc làm cho 10 - 15 chị và thu nhập của các chị ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Những xưởng này chỉ rộng vài chục mét vuông, có từ 15 đến 30 chiếc máy, vốn đầu tư từ 200 triệu đến 500 triệu đồng. Ở một số xưởng may khác, với đồng vốn ít ỏi chưa đầy chục triệu đồng, các chị “bỏ vốn” mua máy may, máy vắt sổ, máy ủi công nghiệp loại cũ do các công ty may lớn bán ra, giá chỉ 2 triệu đồng/máy và nhận hoàn tất các công đoạn cho hàng may mặc xuất khẩu, hoặc may hàng bán sẵn cho các cửa hiệu thời trang. Mặc dù là những xưởng nhỏ, nhưng những yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm vẫn cao. Từ khi các chị em thành lập xưởng may gia đình, họ đã tự chủ được nguồn kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Luyện, nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Thường cho biết: Những chị em thiếu vốn cũng được Hội giúp đỡ tạo điều kiện cho vay vốn. Xưởng may gia đình không những tạo việc làm cho phụ nữ địa phương mà còn tạo việc làm những gia đình khác ở vùng lân cận những lúc nông nhàn hoặc chị em làm nội trợ.

Theo: Thanh Thanh, báo PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video