“Thái-Việt thân thiện” và những kỷ niệm không phai

27/06/2006
Vào những năm 1946-1947, hàng đoàn người Việt Nam đang sinh sống ở Lào đã vượt sông Mê-công sang đất Thái Lan lánh nạn chiến tranh, trong đó có gia đình tôi. Mẹ tôi thường kể lại:

Nhà ta may quá gặp được ông Khu Xà-vin (tiếng Thái có nghĩa là thầy giáo). Thấy nhà có con nhỏ ông vội xúc ngay cho mấy bát gạo để nấu ăn cho khỏi đói. Ông Khu xà - vin là trí thức nhưng cũng làm ruộng. Ba mẹ giã gạo thuê cho nhà ông. Được bao nhiêu gạo thì chia đôi, chủ một nửa, mình một nửa. Cua cá đầy đồng, rau dại mọc ngập bãi. Thế là chẳng mấy chốc nhà ta đã tự túc được cái ăn...

 

Khi tôi lớn lên thì gia đình tôi đã chuyển ra một phố huyện bên sông Mê-công. Người Việt ở đó khá đông đúc. Những người phụ nữ trung niên như mẹ tôi vẫn răng đen, vấn khăn, áo cánh, quần thâm.

 

Các làng nghề hình thành một cách tự nhiên: đan rổ rá, bện võng đay, làm giá, tráng bánh đa, làm mì sợi, hay làm nghề chài lưới…

 

Ngày đó hội Việt kiều thường phát động phong trào hữu nghị Việt-Thái. Mỗi gia đình người Việt kết nghĩa với một gia đình người Thái, gọi là xiều (bạn). Gia đình bác xiều của nhà tôi làm nghề nông, sinh sống ở ngoại vi thị trấn. Hôm làm lế kết xiều, buộc chỉ cổ tay vui lắm. Mẹ tôi nấu một nồi canh bún thật to và làm một ít bánh đa đến nhà xiều. Còn bác xiều đồ mấy chõ xôi và làm các món ăn Thái. Khách mời là bạn bè, hàng xóm của hai bên. Lễ buộc chỉ cổ tay thật trang trọng mà thân tình, có sư nhà chùa đến làm lẽ cầu cho mọi người khoẻ mạnh, sinh sống yên ổn, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Một tay chắp ngang mặt, còn tay kia đưa ra để những người già vừa buộc những sợi chỉ trắng vào cổ tay vừa lẩm nhẩm đọc các câu chúc, tôi cảm thấy như sợi chỉ kia đang nối tất cả những người có mặt trong buổi lễ với nhau.

 

Thái Lan hầu như quanh năm khí hậu không thay đổi, chúng tôi chỉ cảm nhận thời gian trôi đi qua những lễ hội cổ truyền của hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan nối tiếp, xen kẽ nhau. Tôi nhớ, có lần được chia một cái bánh mà các anh chị phụ trách gọi đó là “Bánh Bác Hồ”, bao nhiêu năm sau đó tôi cứ tin là như vậy vì cái bánh trông lạ và ăn ngon lắm. Có những dịp tổ chức hội chung, đám thiếu nhi Việt kiều chúng tôi cũng tham gia đoàn rước và biểu diễn văn nghệ cùng các bạn Thái Lan.

 

Một kỷ niệm nữa tôi vẫn còn nhớ như in là dịp đón vua và Hoàng hậu Thái Lan ra thăm vùng Đông Bắc, nơi chúng tôi sinh sống. Bao nhiêu cổng chào dọc đường đi, nhưng duy nhất Vua và Hoàng hậu chỉ bước ra khỏi ô tô và đi bộ một đoạn ngắn nơi có cổng chào của Hội Việt kiều với hàng chữ “Thái Việt thân thiện” bằng cả hai thứ tiếng. Vua thăm hỏi các quan chức địa phương người Thái, còn Hoàng hậu tiến đến gần khu tập trung đông Việt kiều. Bà cúi xuống hỏi chuyện một chủ người Việt ngồi dưới chiếu trải bên đường cái, ngay cạnh tôi. Tôi nghe rõ giọng bà nói thật nhỏ nhẹ và êm dịu. Hoàng hậu hỏi thăm tình hình của bà con Việt kiều tại địa phương, mọi người làm ăn sinh sống ra sao, có yêu cầu gì không.

 

Mấy năm sau đó, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp tấm ảnh Hoàng hậu Thái Lan đang cúi xuống hỏi chuyện chú Việt kiều, còn tôi bé con con ngồi ngay cạnh đang ngước mắt lên nhìn bà. Thật tiếc là khi đó tôi còn bé quá chưa biết giữ một tấm ảnh như vậy làm kỷ niệm. Song cũng rất may là trong tôi còn lại biết bao hình ảnh của những ngày tuổi thơ tươi đẹp và hồn nhiên trên đất nước Thái Lan mà tâm trí tôi ghi nhận được và tự nó lưu giữ mãi chẳng bao giờ nhạt phai.

 

 

Theo Tạp chí Hữu Nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video