“Tình thương” đến với phụ nữ nghèo.

21/03/2006
Có một mô hình mà ở đó hoạt động vay vốn được trả lãi theo tuần. Bản thân tên gọi của nó cũng đã nói lên được phần nào mục đích, ý nghĩa - Quỹ Tình thương (Quỹ TYM),

nhưng điều quan trọng hơn cả là với tổng dư nợ chỉ trên 50 tỷ đồng, Quỹ không chỉ mang lại ấm no, hạnh phúc cho bao gia đình phụ nữ nghèo mà còn khai thông, mở mang tri thức cũng như niềm tin của họ vào một tổ chức đã khai sinh ra Quỹ, đó là Hội LHPN Việt Nam.

 

Niềm vui nhân lên qua mỗi lần sinh hoạt cụm.

 

“Chưa bao giờ được cầm tiền triệu trong tay, nhưng khi được vay 1 triệu đồng, tôi lại rất run, hơn nữa lại phải trả lãi theo tuần, cả đêm thao thức, vợ chồng bàn đi tính lại mãi không ra. Thôi thì cứ liều, người ta làm được, chắc mình cũng làm được”. Đó không chỉ là tâm trạng của riêng chị Lê Thị Văn trong buổi đầu “gia nhập” nhóm “các thành viên vay vốn” mà còn là trăn trở của hầu hết chị em trong xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An khi tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ Tình thương. Nhưng cũng vì “cái liều ấy” mà đến hôm nay, được tham dự buổi sinh hoạt cụm 11, xóm 4, xã Hưng Yên, chúng tôi thấy rõ nét mặt rạng ngời, sự phấn chấn hiện trên gương mặt của 50 thành viên về tụ họp.

 

Cách đây 4 năm, xóm 100% công giáo toàn tòng này có 80 hộ gia đình, thì có tới 52 hộ (chiếm 66%) thuộc diện đói nghèo, giờ đây đã thực sự thay da đổi thịt, phần đa số hộ đã có của ăn của để. Ban đầu chị em chỉ vay 500.000đ, hàng tuần trả lãi 11.200đ nhưng đến nay chị em đã mạnh dạn vay từ 500.000đ-8 triệu đồng đầu tư chăn nuôi, buôn bán, làm dịch vụ, sửa sang, xây mới nhà ở, công trình phụ và những món vay khác, bình quân mỗi chị sử dụng gần 12 triệu đồngvốn nhưng chị em vẫn duy trì việc hoàn trả theo tuần đạt 100% với số tiền lãi phải trả gần 200.000đ/tháng. Gia đình chị Dụng, chị Hoa, chị Kiên, chị Thịnh, chị Hằng, chị Minh và nhiều chị khác đã có mức thu nhập bình quân 10,8 triệu đồng/năm. Gia đình chị Dũng nhờ vay vốn, ngoài thu nhập mỗi tháng 1,2 triệu đồng, còn xây được ngôi nhà mới khang trang, nuôi được con học đại học và THPT.

 

Một điều khác biệt với các tổ chức tín dụng khác là bên cạnh hoạt động vay vốn, tiết kiệm là nguyên tắc bắt buộc của Quỹ, tạo cho chị em có kế hoạch chi tiêu và biết tính toán làm ăn. Qua 4 năm hoạt động, tổng số tiền tiết kiệm của chị em đạt 60 triệu đồng, hàng tháng được tính lãi suất. Như vậy không chỉ những người khá, giàu mới có tiền tiết kiệm mà cả chị em nghèo cũng đã được cầm cuốn sổ tiết kiệm trong tay. Số tiền tiết kiệm được, chị em tiếp tục đầu tư sản xuất, chăn nuôi hoặc dự phòng khi có công việc đột xuất. Ngoài ra, chị em duy trì quỹ phúc lợi, quỹ tương trợ để thăm hỏi, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, vui buồn, hiếu hỷ hoặc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ TDTT nhân dịp lễ tết, sinh nhật nhóm, cụm…Giờ đây cụm đã trở thành ngôi nhà chung để chị em tham gia sinh hoạt, lồng ghép với hoạt động, công tác Hội, được phổ biến, giáo dục kiến thức về gia đình, giới, chăm sóc sức khoẻ và là nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của những người cùng cảnh ngộ. Những người không cam chịu đói nghèo, khi có đồng vốn trong tay đã thắt lưng buộc bụng, lam làm sớm tối, đổi mới nếp nghĩ, cách làm vươn lên làm chủ cuộc đời của mình. Không những thế, chị em còn lôi cuốn cả chồng, con cùng tham gia để trả cho được vốn và lãi đã vay. Có chị việc học còn khó hơn cả đi cấy đi cày nhưng được sự động viên, an ủi của chồng, được chồng nhiệt tình đưađón cũng cố đến lớp học cho được cái chữ. Thấy rõ tính ưu việt và hiệu quả của đồng vốn, cả xóm vào cuộc, tạo không khí thi đua sôi nổi, sự đồng thuận trong các gia đình giáo dân. Nhờ có vốn, nhiều chị không biết chữ đã biết đọc, biết viết, tự kê khai vào hồ sơ vay vốn và phát biểu mạnh dạn, tự tin trước cuộc họp đông người. Trong xóm trước đây không gia đình nào có con học đại học nay đã có. Chị Nguyễn Thị Thành, một thành viên của cụmxúc động nói: Nếu không có các tổ chức đoàn thể, Hội LHPN và không có đồng vốn “biết sinh lời” như thế này có lẽ những người như tôi không biết bao giờ mới được tham gia sinh hoạt Hội và có thể yên tâm ngồi dự họp.

 

Sự phát triển bền vững của một mô hình

 

Sau hơn 10 năm thành lập, mô hình hoạt động của Quỹ Tình thương(Hội LHPN Việt Nam) ngày càng khẳng định tính nhân văn sâu sắc. Với mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện địa vị cho phụ nữ nghèo”, được sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các Tổ chức quốc tế: ACT, Card, Quỹ uỷ thác Grameen, CASHOR, Oxfam (Mỹ), Quỹ không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới của Chính phủ. Đến nay Quỹ đã phát triển được 21.186 thành viên ở 16 chi nhánh thuộc 7 tỉnh, thành phố với tổng dư nợ trên 52 tỷ đồng, trung bình một thành viên vay 2,4 triệu đồng, người cao nhất là 15 triệu đồng. Qua hoạt động của mình, Quỹ đã hỗ trợ giúp hơn 30.000 phụ nữ thoát khỏi đói nghèo, tham gia các hoạt động cộng đồng và quản lý. Ngoài số tiền gửi tiết kiệm bắt buộc 3.000đ/người/tuần theo quy định, Quỹ còn khuyến khích các thành viên gửi tiền “Tiết kiệm gia đình” tự nguyện 3 và 6 tháng, đến cuối tháng 11/2005, tổng dư nợ tiết kiệm của Quỹ đã đạt con số 24 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thành viên tham gia vay vốn không những hoàn trả được cả gốc, lãi mà còn dành dụm trang trải cuộc sống, chăm lo cho gia đình và tạo điều kiện cho con ăn học.

 

Góp vào thành công của Quỹ không thể không kể đến đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tâm huyết nơi đây. 80 cán bộ tín dụng của chi nhánh, mỗi người phụ trách 250-300 thành viên đã không quản nắng mưa, sớm tối lặn lội đến từng nhóm, cụm động viên, hướng dẫn chị em từng bước đi, cách làm và thu tiền lãi theo tuần với tỷ lệ hoàn trả 99,9%.

 

Nhằm phát triển bền vững hơn nữa về tổ chức và tài chính, phục vụ ngày càng nhiều đối tượng phụ nữ nghèo trên các vùng, miền trong cả nước, Quỹ Tình thương đang xúc tiến chuyển đổi thành 1 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép theo Nghị định 28 của Chính phủ. Điều đó đòi hỏi Quỹ phải đào tạo tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đồng thời củng cố tổ chức, thiết lập hệ thống thông tin quản lý đầy đủ, huy động thêm nguồn vốn và mở rộng mạng lưới chi nhánh, đặc biệt ở những địa bàn chưa có các chương trình khác hoạt động.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video