“Trẻ em gái có thể đóng góp cho cuộc chiến chống đói nghèo”

16/10/2009
Nhân ngày Quốc tế Xoá đói Giảm nghèo - 17/10/2009, bà Thoraya Ahmed Obaid, Giám Đốc Điều Hành Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã đưa ra thông điệp rằng hàng triệu trẻ em gái vị thành niên sống ở các quốc gia đang phát triển có thể đóng góp đáng kể cho cuộc chiến chấm dứt đói nghèo nếu các em được đi học và không kết hôn sớm.

Theo bà Obaid, năm nay thế giới kỷ niệm ngày Quốc tế Xoá đói Giảm nghèo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính kéo dài từ năm 2008 vẫn đang tiếp tục gây ảnh hưởng trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng này đe doạ những nỗ lực của các quốc gia trong công tác giảm nghèo và tiến tới đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
 
Năm nay, ước tính số người sống trong nghèo đói cùng cực trên thế giới là khoảng 55 triệu đến 90 triệu người, cao hơn mức dự đoán trước khi xảy ra cuộc suy thoái kinh tế hiện nay. Và những nhóm người dễ bị tổn thương như các gia đình nghèo, người di cư, phụ nữ và trẻ em gái là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
 
Bà Obaid cho rằng: “Để tăng cường nỗ lực của thế giới trong phát triển con người thì đây chính là thời điểm chúng ta cần phải đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái về sức khoẻ, giáo dục và hạnh phúc”.
 
“Có hơn năm trăm triệu trẻ em gái vị thành niên sống ở các quốc gia đang phát triển và các em có thể đóng góp đáng kể tới cuộc chiến chấm dứt đói nghèo. Nếu các em được đi học, không kết hôn sớm và trì hoãn mang thai các em sẽ tìm kiếm các cơ hội nhằm cải thiện cuộc sống của chính bản thân các em và gia đình các em. Mỗi gia đình có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao thịnh vượng cho toàn thế giới,” bà Obaid cho biết thêm.
 
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là cơ hội để sử dụng nguồn lực, công nghệ và kiến thức của thế giới dành cho con người, đặc biệt nhóm người nghèo và nhóm người chưa thực sự được quan tâm. Đây cũng là cơ hội để cung cấp bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo không ai có thể bị ảnh hưởng. Và đây cũng là cơ hội để giảm những rủi ro và xây dựng nền tảng cho hệ thống toàn cầu được hợp lý và công bằng hơn nhằm bảo đảm hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Theo VnMedia

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video