“Vương quốc tỏi” ở đảo Bé

03/12/2005
Xê xế trưa, vợ chồng Tư Dượng ung dung ngồi ở đầu hiên, vợ hong tóc ướt, chồng nhâm nhi ca nước trà. Trông đầy vẻ nhàn hạ, nhưng không phải thế, đôi vợ chồng ấy đã lao động cật lực từ mờ sáng. Mới 4 giờ, anh Tư đã ra bãi biển phía Nam đảo lặn sâu xuống khoảng 2 mét để vớt tảo mơ dùng làm phân xanh mà những cây tỏi rất ưa thích.

Loại tỏi ở đây mỗi củ chỉ duy nhất một tép tròn vo, ngâm với rượu trắng trên năm mươi độ sẽ thành thuốc chữa đau bụng, chữa huyết áp cao và nhiều bệnh khác mà người Lý Sơn ca ngợi còn hơn thuốc tiên. Phần việc của chị Dượng vào giờ đó là xuống bãi xúc cát trắng cho vào bao cát nặng hơn ba mươi ký, rồi cùng những người phụ nữ khác đội trên đầu, đi thành hàng về làng lúc 9 giờ sáng. Đó là một phần cuộc sống của những người đang sống trên hòn đảo này, một đảo vệ tinh của huyện đảo Lý Sơn, cách bến Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) 18 hải lý. Đảo Bé là nơi mang danh xưng "vương quốc tỏi". Tỏi được trồng ở Lý Sơn thơm lừng như thế vì thấm quá nhiều mồ hôi của người dân nơi đây. Nông dân mỗi năm phải thay một lớp cát bề mặt cho ruộng tỏi nhà mình, mỗi hécta cần tới 222 m3 cát. Mới hiểu tại sao phụ nữ Lý Sơn đội cát trên đầu đi từ dưới mé biển lên đã là một hình ảnh quen thuộc vô cùng.

 

Nơi chứa đựng những di tích văn hóa, lịch sử

 

Đảo Bé nằm cách cù lao Ré (tên tục của Lý Sơn) 3,5 km, chỉ mỗi đón người đến ở cách đây gần một trăm năm. Từ bốn ông Đốc Hành (những người ra đảo đầu tiên), nay đã phát triển thành 102 nóc nhà. Hòn đảo bốn bề xanh tươi với những khu nhà vườn luôn làm du khách ngạc nhiên vì ở vườn nào cũng nằm chình ình hai chum đựng nước to cỡ năm người vòng tay ôm mới hết chiều ngang. Từ thuở khai thiên lập địa, đảo Bé đã được gọi là “đảo khát”, vì giếng ở đây chưa bao giờ ra được giọt nước ngọt. Người ta đành làm lu đựng nước khổng lồ chờ mưa. Những ngày mùa khô, người già, phụ nữ tụ tập trên bến, chờ tàu bán nước ngọt từ đảo lớn sang. Họ phải mua từng can nước 30 lít với giá 4.000 đồng. Mỗi ngày, tiền nước chỉ gấp ba lần tiền chợ. Khách đến nhà được mời uống nước dừa thay vì nước lọc. Nhưng “trời sinh voi, sinh cỏ", đảo Bé vẫn bốn mùa xanh mát bóng cây.

 

Đó là một phần hình ảnh của Lý Sơn huyện đảo trước khi làn sóng du lịch ập đến nơi này. Nay mai, Lý Sơn sẽ không còn sự yên tĩnh hoang sơ tuyệt đối như hôm nay. Một dự án tàu cao tốc trị giá 20 tỉ đồng do tỉnh Quảng Ngãi đầu tư đang gấp rút thực hiện sẽ rút ngắn hành trình từ đất liền ra huyện đảo xuống còn 30 phút và khi đó thì có thể hiểu được làn sóng du khách tràn ngập tới đảo nhỏ mỗi mùa hè sẽ mạnh như thế nào. Nghe nói trong tương lai, Lý Sơn sẽ biến thành một đô thị nhỏ có vị thế khả dĩ về phương diện đối ngoại. Sân bay trực thăng lên thẳng có từ năm 1968 đã bị biến thành ruộng tỏi suốt 30 năm nay đang được giải tỏa để khôi phục lại.

 

Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch huyện Lý Sơn, khẳng định rằng cù lao Ré gồm đảo Lớn và đảo Bé đang chứa đựng những di tích văn hóa lịch sử với mật độ dày nhất nước. Mỗi bước đi nơi đây đều có thể bắt gặp những cột mốc theo chiều dài lịch sử khai thiên lập địa của vùng đất với những đình làng Lý Hải - một bảo tàng sống về tâm thức người Việt với những nghi lễ tế, hội hè và kiểu kiến trúc trang trí tứ linh, bát bửu, lưỡng long tranh châu, ngũ phúc. Nhìn thẳng ra biển, Âm linh tự còn đứng đó là nơi ngày xưa làm lễ tế sống những người lính triều Nguyễn đi Hoàng Sa cắm mốc biên giới trên biển và thu nhặt sản vật cho triều đình. Trên ngọn tháp cao rành rành bốn chữ “Chiến sĩ trận vong”. Dưới chân tháp là những ngôi mộ gió đơn sơ khiến người hậu sinh thấy lòng rưng rưng. Du khách có thể đến thăm những khu mộ gió của thủy tổ tộc Phạm, tộc Trần, tộc Lê, lặng yên đi qua những nấm mộ phủ cát và nghĩ đến cuộc đời của những người đàn ông một đời ăn sóng nói gió và không chịu chết trên giường ngủ nhà mình. Trong mộ gió ấy chỉ có những hình nhân yên lặng, tưởng nhớ con người dũng mãnh đã từng sống một lần trên đảo. Ở đảo Bé có vô số nghĩa trang mộ gió như vậy, nên gọi tên là đảo mộ gió cũng có đôi chút kiêu hãnh. Bên cạnh đó, dấu vết của văn hóa biển còn là Lăng Tân, Lăng Cồn đều hướng ra khơi, bên ngoài được nhiều cây cổ thụ vây bọc, bên trong thờ những bộ xương cá ông khổng lồ. Người Lý Sơn rất biết nâng niu gìn giữ chốn tâm linh của mình. Chẳng thế, đình thờ, miếu mạo chỗ nào cũng được tô điểm, gìn giữ, theo quy chế nghiêm ngặt hơn nhiều so với nơi khác đã phát triển du lịch.

 

Một lần trèo lên ngọn núi lửa

 

Hấp dẫn nhất ở cù lao Ré phải kể đến những ngôi chùa nằm lọt thỏm trong lòng các ngọn núi lửa đã tắt. Phía dưới là chùa Hang, di tích văn hóa lịch sử quốc gia nằm sâu trong lòng khối nham thạch khổng lồ hình dáng ở thế phun trào. Chùa rộng 480 m2, chỉ cao có 3,2 m, vốn hình thành từ một ngôi đền Chăm cổ, nhưng những tượng Chăm đã bị người Pháp đưa đi từ đầu thế kỷ XX và dân đảo thay thế bằng thờ Phật và thờ tiền hiền của ba tộc lớn nhất đảo. Mẹ con cô bé Lâm Thị phú đứng bán hương và nước ngọt cho khách thập phương ở chân chùa có tiếng giỏi kể cho khách nghe nhiều chuyện, chẳng hạn chỉ có những người đàn ông của tộc Trần đi tu mới được trụ trì ngôi chùa này. Những giọt nước trong veo, mát lạnh thỉnh thoảng từ trần đá lại nhỏ xuống câu chuyện, khiến người nghe từ xa tới cảm thấy như đang tan vào thiên nhiên. Từ chùa Hang, đi lên cao một chút có hang Câu, có chùa Đục, có miệng núi lửa đã tắt. Một điểm rất chung là đâu đâu cũng cảnh nguyên sơ, khiến con người cảm thấy quá bé nhỏ trước ngọn núi lửa từng có thời nổi giận thổi bùng nham thạch lên khỏi mặt biển thành hai cù lao lạc lõng giữa hiển Đông. Để công leo núi hơn một tiếng đồng hồ ta sẽ lên tới đỉnh Thới Lới, ở đã có miệng núi lửa hình phễu đường kính gần 1 km. Mặc dù đã có những ý đồ và dự án hình thành khu du lịch đảo Bé, trong đó miệng núi lửa kia sẽ biến thành một hồ chứa nước ngọt, nhưng hôm nay đảo Bé vẫn thuần khiết lắm. Thôn nữ trên cánh đồng tỏi vẫn còn xấu hổ bỏ chạy khi khách lạ giơ máy ảnh chụp. Chúng tôi đành chụp vài tấm phong cảnh, rồi lượm những hòn nham thạch hình thù kỳ dị đem về để chứng minh một lần trèo lên tận miệng núi lửa... đã tắt ngàn đời! Từ đỉnh núi nhìn xuống cánh đồng tỏi, những ô bàn cờ được ngăn bằng nham thạch vụn đẹp như các khu vườn kiểng. Riêng về ẩm thực của cù lao Ré thì chắc không có khu resort nào sánh kịp vì hẳn ai cũng một lần ngạc nhiên khi được dùng một bữa ăn đủ 14 loại ốc biển khác nhau, vỏ ốc còn nguyên trên đĩa với màu sắc lóng lánh. Còn nữa, đĩa gỏi bạch tuộc trộn với khổ qua cũng hấp dẫn không kém!

 

Có lần, cách đây khoảng 10 năm, một nhà đầu tư lạc bước cũng đã cất công biếu cho cù lao Ré một dự án hình thành khu resort với những biệt thự nhà vườn, casino và nhiều kiểu du lịch thời thượng. Nhưng thời thế lúc ấy xem ra chưa thuận tiện cho những dự án táo bạo như thế. Đến hôm nay, hòn cù lao đẹp mê hồn này vẫn tiếp tục ngủ yên giữa biển khơi ngập tràn ánh sáng mát trời, ôm giữ trong lòng những kỷ niệm của một thời cha ông mở đường định đoạt ranh giới chủ quyền lãnh hải. Sẽ là người may mắn nếu bạn được đến với đảo bé trước khi cảnh hoang sơ ấy biến mất dành chỗ cho những khu nghỉ mát cao cấp nhiều sao mọc lên...

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video