15 cô gái bước ra khỏi nỗi sợ hãi

19/11/2010
Đêm 14/11, đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu dành cho người có H. Cuộc thi không có người chiến thắng.

Vương miện Hoa hậu dành cả cho 15 cô gái dám bước ra khỏi bóng đen những nỗi sợ hãi vây kín hàng ngày. Đó không phải là nỗi sợ hãi của bệnh tật, mà chính là nỗi sợ hãi, sự ám ảnh từ những ánh mắt của người thân, của xã hội...


Bóng đen u tối             


Nghiêm Thị Lan, 30 tuổi (quê Kiến Xương, Thái Bình) phát hiện ra nhiễm HIV vào năm 2002. Đó là đợt chồng Lan ốm đau liên miên. Khi đi xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với HIV, Lan mới giật mình. Khi đó, mang thai năm tháng, Lan cũng có kết quả dương tính với HIV như chồng cô. Lan kể, bản thân chồng cũng không hề biết nhiễm HIV từ khi nào. Hết nhìn đi nhìn lại tờ giấy kết quả, Lan lại đưa tay đặt lên bụng. Đứa con bé bỏng sắp chào đời liệu có bị bệnh như cha mẹ nó không.

 

Vợ chồng Lan giấu kín chuyện, vì Lan biết khi nói ra chắc chắn sẽ nhận được sự ghê sợ của làng xóm, sự hắt hủi của người thân trong gia đình. Đứa con chào đời được năm ngày thì chồng Lan mất. 


Khi phát hiện ra vợ chồng đều nhiễm HIV cũng là khi Lan chuẩn bị sinh con. Bác sĩ tư vấn không cho con bú để tránh lây truyền HIV sang con. Nhưng Lan nghĩ thương con, mẹ thì tức sữa lại len lén cho con bú. “Hồi đó chỉ vì không hiểu biết, lại thương con mù quáng nên em vẫn cho con bú. Và con nhiễm HIV chị ạ. Giờ chồng em mất, hai mẹ con sống chung với H”, Lan kể.


Cho đến lúc này, sự chịu đựng trong Lan dường như đã cạn kiệt. Mạnh dạn nói hết với gia đình, người thân sau đám tang chồng, Lan nghĩ, họ đối xử thế nào cũng được, chỉ cần đứa con mạnh khỏe là Lan sẽ đủ sức chống đỡ lại sự kỳ thị cho dù lớn tới đâu. Nhưng ngược lại, Lan lại nhận được sự yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, cảm thông từ những người xung quanh.


Vượt qua sự miệt thị


Bùi Thị Hiền (25 tuổi ở Lương Sơn, Hòa Bình) nhận được tin có H như là giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời. Nếu chồng Hiền không mất vì giai đoạn cuối của AIDS thì Hiền sẽ giấu cả gia đình đến khi nào Hiền cũng đi theo chồng. Điều an ủi nhất lúc đó của Hiền chính là đứa con gái không bị nhiễm HIV. Và cho đến nay, con gái 4 tuổi là nguồn động viên, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.


Sinh con xong, hai mẹ con về nhà bố mẹ đẻ ở Quốc Oai (Hà Nội). Hiền tìm được việc làm ổn định ở nhà máy sản xuất gạch. Một lần, Hiền tham gia buổi tọa đàm của Đài Truyền hình Hòa Bình nói về vấn đề HIV, Hiền đã “bồng bột” bộc lộ thân phận. Sau lần đó, Hiền bị nghỉ việc. “Em không nghĩ rằng, việc công khai danh tính của mình lại gây ra nhiều phiền phức đến như vậy. Công việc chẳng còn, mọi người xa lánh”, Hiền nói.


Ngày đó, đi đến đâu Hiền cũng gặp ánh mắt khinh miệt của hàng xóm. Họ tụm lại xì xào chuyện Hiền mắc HIV. “Cuộc đời rất may còn nhiều người tốt chị ạ. Lúc em suy sụp tinh thần vì ánh mắt của mọi người cũng là lúc Hội Phụ nữ tỉnh cũng như dự án Sức khỏe sinh sản tỉnh đã giúp đỡ mẹ con em. Từ đó, em sinh hoạt tại Hội Phụ nữ và trở thành tuyên truyền viên về sức khỏe sinh sản”, Hiền tâm sự.


Bước về phía mặt trời

 

Vượt bóng tối để “lộ diện” cũng khiến Lan tổn thương không ít. Nhiều người quen khi biết Lan mắc HIV tỏ sự kỳ thị ra mặt. Đối với con Lan, đi học cũng là một công việc nặng nề đối với bé. Lan cũng chuẩn bị cho con những vật dụng y tế cần thiết đề phòng lúc ngã chảy máu. 

 

Quá trình “bước ra ánh sáng” công khai danh tính của Lan là một cuộc dằn vặt kéo dài ba năm. Kể cả gia đình, Lan cũng giấu biệt. Nhưng trước sức khỏe của đứa con, Lan phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với nhiều thiệt thòi khi dám công khai danh tính. Nếu không nói rằng “tôi là người có H” thì cơ hội tiếp cận với các cơ sở y tế điều trị bệnh cho bản thân và con đều hạn chế.

 

Lan bắt đầu tham gia Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng ở huyện. Rồi từ những buổi sinh hoạt đó, Lan trở thành tuyên truyền viên đồng đẳng. Lan cũng không từ chối xuất hiện danh tính trên báo đài, truyền hình để chia sẻ và tuyên truyền. Những tưởng sau lần đó, mọi người trong gia đình sẽ xa lánh, cơ quan sẽ cho nghỉ việc nhưng ngược lại, ai cũng nhìn Lan bằng ánh mắt cảm thông chia sẻ.

Ngay từ khi nhận được thông tin về cuộc thi, Lan đã quyết định tham dự, không phải để nhận giải, mà chỉ là để thêm lần nữa thấy bản thân mình có thể sẵn sàng đối mặt với cuộc sống.


Vừa trang điểm cho lần quay của mình, Hiền vừa tâm sự: “Trước khi quyết định tham dự cuộc thi, em phân vân nhiều lắm. Nghĩ rằng, lần công khai danh tính này sẽ đối mặt với rất nhiều điều. Đặc biệt, mang danh đi thi Hoa hậu, sẽ có nhiều người không thể chia sẻ với chúng em, sẽ nói rằng: Tại sao không yên phận điều trị bệnh lại còn bày đặt thi làm gì? Chúng em biết điều đó nhưng em vẫn quyết tâm tham dự và sẵn sàng đối mặt với những dư luận nhiều chiều”.


Trần Thị Huệ, 28 tuổi (xã Chính Lý, Lý Nhân, Hà Nam) tham dự cuộc thi như một bước ngoặt của cuộc đời. Huệ bảo, trước đây sống trong sự trốn tránh, sống với bí mật không dám nói cùng ai như sống trong địa ngục với những nỗi lo vô hình, dằn vặt. Huệ lúc nào cũng mong muốn được công khai danh tính, công khai với mọi người là mình nhiễm HIV để được chia sẻ, giúp đỡ người khác.


Khi chồng mất, Huệ biết bản thân và đứa con trai thứ 2 nhiễm HIV. Lúc nhận được kết quả xét nghiệm tại BV Bạch Mai, ra đến cổng bệnh viện, Huệ vừa khóc vừa bỏ chạy. Lúc đấy, ám ảnh trong đầu chỉ là cái chết. Nhưng hình ảnh hai đứa con lại níu kéo Huệ trở về đối diện với thực tại. Sự đùm bọc của gia đình, hàng xóm giúp Huệ nguôi ngoai.

 

Nhưng cũng chỉ dám công khai tại địa phương, chứ khi lên xin việc trên Hà Nội, Huệ chẳng dám nói là mình có H. Vì chắc chắn, theo Huệ họ sẽ từ chối giao việc cho Huệ, cho dù chỉ là những công việc vặt vãnh như bê cơm, rửa bát. Và đến trước giờ diễn ra đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu có H, điều Huệ sợ nhất là “chủ các quán cơm biết là Huệ có H sẽ từ chối công việc”.


15 số phận thiệt thòi cùng bước ra ánh sáng để đối diện với cuộc sống. Họ xứng đáng được trao tặng vương miện Hoa hậu. Hoa hậu của những con người nghị lực!

Theo giadinh.net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video