16 năm 'bám' trò, gieo chữ trên đỉnh Dào San

28/09/2018
Suốt 16 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng (trường Trung học cơ sở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã vượt qua bao gian khổ vẫn kiên trì bám trụ, chở 'con đò tri thức' cho học sinh vùng cao đặc biệt khó khăn.

Duyên nghề

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Học xong cấp 3, chị thi đỗ vào trường Trung cấp kinh tế Vĩnh Phúc. Sau 3 năm học ra trường, tình cờ trong một lần đi chơi Tết, Hồng gặp chàng sĩ quan biên phòng Tạ Quang Thái. Từ đó, những cánh thư đi, thư về đều đặn và họ đã nên duyên vợ chồng. Lúc bấy giờ, anh Thái đang đóng quân ở đồn biên phòng Vàng Ma Chải. Do nhiệm vụ phải thường xuyên bám bản, có khi cả năm anh mới về quê thăm nhà một, hai lần.

Trong một lần về thăm vợ, anh tâm sự với chị rằng, ở biên giới đang thiếu trầm trọng giáo viên cắm bản, các chiến sĩ biên phòng phải kiêm nhiệm thêm việc dạy chữ cho các cháu nhỏ trong địa bàn phụ trách. Nghe vậy, chị Nguyễn Thị Thu Hồng đã lóe lên khát vọng được cùng chồng gánh vác việc dạy học trên vùng núi cao xa xôi.

Vậy là, dù đang nuôi con nhỏ, chị Hồng quyết tâm ôn thi và đỗ vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc, chuyên ngành thanh nhạc. Ra trường, chị chuyển về dạy học tại trường THCS xã Trung Hà, huyện Yên Lạc.

Thấu hiểu và chia sẻ sự vất vả của chồng, sau nhiều ngày suy tư, tháng 7/2002, chị Hồng quyết định chuyển lên sinh sống và làm việc cùng chồng ở Đồn Biên phòng Dào San. Kể từ đó đến nay, gia đình nhỏ của chị Hồng coi nơi đây như là quê hương thứ hai của mình.

Chị Hồng nhớ lại, lần đầu từ quê lên xã Dào San, đường đi gập ghềnh, khúc khuỷu, khiến chị say xe nên bị ốm mấy ngày liền nhưng không vì thế làm chị nản chí. Thời kỳ ấy, các điểm trường của xã Dào San còn rất tạm bợ, sơ sài, mái lợp lá mỗi lần mưa đều bị dột, tường xung quanh thì thủng lỗ chỗ. Học sinh trong trường đều là người dân tộc Mông, Hà Nhì, Dáy với hoàn cảnh kinh tế, đời sống vô cùng thiếu thốn, tồn tại nhiều tập tục còn rất lạc hậu. Để có thể gần gũi và thấu hiểu học sinh, chị Hồng tham gia khóa học tiếng Mông, tiếng Dao do ngành giáo dục của tỉnh tổ chức.

Khi đã có thể giao tiếp được với bà con, học sinh, những ngày nghỉ, chị Hồng tranh thủ đến các gia đình trong các bản thăm hỏi nhằm nâng cao tiếng địa phương, đồng thời nắm bắt việc học tập của các cháu nhỏ. Nhà ở vùng cao cách nhau hàng cây số đường rừng, chủ yếu là đi bộ nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, chị Hồng đã lặn lội đến từng nhà, từng bản để làm công tác tuyên truyền, động viên học sinh đến trường. Nhờ tấm lòng chân thành và lòng nhiệt tình mà tình cảm cô trò và bà con các dân tộc Dào San cứ lớn dần theo năm tháng.

Bám trò, bám bản

Qua quá trình dạy học, tiếp xúc với học trò, người dân, cô giáo Hồng mới thấu hiểu nhiều khó khăn, trở ngại đối với sự phát triển ở nơi này. Vì nạn tảo hôn ở Dào San diễn ra khá phổ biến, nhiều em mới học THCS đã nghỉ học lấy chồng, sinh con. Nhất là sau mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết các em nghỉ học rất nhiều để giúp bố mẹ làm nương.

Đứng trước thực tế ấy, nhiệm vụ của các giáo viên là phải tuyên truyền, vận động từng học sinh và gia đình. Cô giáo Hồng đã nghĩ ra phương thức giúp gia đình học sinh thu hoạch lúa mà không phải nghỉ học: Đó là vào thứ bảy, chủ nhật, cô huy động các em có sức khỏe trong lớp sẽ cùng nhau đi gặt luân phiên giúp gia đình, để các ngày trong tuần, học sinh đến trường đông đủ hơn.

 Từ sáng kiến này của cô Hồng, nhà trường đã nhân rộng mô hình gặt luân phiên trong học sinh. Nhờ đó, tình trạng các cháu bỏ học đi gặt, làm nương đã thuyên giảm nhiều, sĩ số lớp được duy trì tốt.

Là giáo viên dạy tiếng phổ thông và các môn học khác ở vùng cao đã khổ, với giáo viên dạy nhạc ở vùng biên còn khó khăn hơn nhiều lần. Bởi đa phần các em nói tiếng Kinh chưa sõi, phát âm rất ngọng, nên việc tập hát những bài quy định của Đoàn, Đội gặp nhiều trở ngại. Vừa dạy nhạc, cô Hồng vừa phải dạy luôn cả chữ, sửa từng câu, từng lời cho các em... Song vượt lên trên những khó khăn trở ngại, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng đã dành hết tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm của mình cho các em học sinh.

Nhiều em có hoàn cảnh, cuộc sống rất éo le nhưng đã được cô cưu mang, giúp đỡ, tiếp tục cắp sách đến trường và trưởng thành.

Đơn cử như trường hợp em Giàng A Thành, nhà ở bản Xì Phài, xã Dào San. Năm 2002, khi ấy cô Hồng mới lên đây dạy học, em Thành đang học lớp 6 thì bố nghiện ma túy, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, em phải ở với chú. Gia cảnh chú thím cũng nghèo khổ, thường xuyên đứt bữa những lúc giáp hạt nên nhiều hôm, Thành không có cơm ăn, áo không đủ mặc đến trường.

Biết hoàn cảnh Thành như vậy, cô Hồng đã cưu mang, mời em ăn trưa cùng gia đình, khi thì cho em thùng mì tôm, gói bánh, bộ quần áo... Bù lại, Thành chăm chỉ và có học lực khá. Nhờ đó mà em đã học hết cấp 2, thi đỗ trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh. Vui mừng hơn cả, Thành đã thi đỗ đại học, ra trường hiện có việc làm thu nhập khá. Giàng A Thành chia sẻ: “Nhờ có sự chăm sóc, giúp đỡ, động viên của cô Hồng như một người mẹ mà em có được thành quả như ngày hôm nay. Em luôn ghi nhớ và biết ơn cô rất nhiều”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Văn Duy, Hiệu trưởng trường THCS Dào San, cho biết: Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng là một trong những giáo viên lâu năm, giàu kinh nghiệm và rất tâm huyết. Cô ấy còn kiêm nhiệm làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của nhà trường, vận động và kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, quần áo, thiết bị đồ dùng học tập. Chính những thiện tâm, trách nhiệm của cô Hồng đã giúp cho phong trào học tập của trường và địa phương sôi nổi, hiệu quả.

Chia tay gia đình nhỏ của cô giáo Hồng và đỉnh núi Dào San, trong chúng tôi cứ hiển hiện hình ảnh đẹp, lung linh về người giáo viên gần dân, bám bản, tràn đầy lòng nhiệt huyết. Nhờ có những trái tim dâng hiến như cô Hồng và các đồng nghiệp, chúng tôi tin, một ngày không xa, cuộc sống của học sinh và người dân Dào San sẽ có nhiều đổi thay tích cực.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video