20 năm đồng hành cùng Bưu điện - Văn hóa xã

07/11/2018
Bưu điện - Văn hóa xã tròn 20 tuổi thì cũng ngần ấy năm chị Nguyễn Thị Bắc gắn bó với Bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Bưu điện - Văn hóa xã tròn 20 tuổi thì cũng ngần ấy năm chị Nguyễn Thị Bắc gắn bó với Bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh. 20 năm trước, khi chị Nguyễn Thị Bắc thi đỗ đại học ở Hà Nội cũng là lúc BĐ-VHX Châu Khê được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Vốn tính ham học hỏi, luôn muốn khám phá và thử sức trước những cái mới, cô sinh viên 18 tuổi mạnh dạn xin vào làm tại BĐ-VHX. Ngày ngày rong ruổi trên đường mấy chục cây số, cứ buổi sáng, chị đi xe máy xuống Hà Nội học đại học, đến chiều thì quay về làm.

Nhớ lại những năm tháng đầu tiên đó, chị kể: “Lúc đấy công việc chủ yếu phục vụ người dân đến gửi thư, đọc báo, nghe điện thoại nên buổi sáng khi tôi đi học thì mẹ trực điểm, đến trưa tan học, tôi vội trở về để bắt tay vào công việc. Đầu tuần, tôi mua 10.000 đồng tiền xăng là đi về giữa Hà Nội và Bắc Ninh được 1 tuần để vừa học vừa làm.”

“Nhớ mãi tháng lương đầu tiên nhận được là 144.000 đồng, đó là mức lương cơ bản của nhân viên BĐ-VHX Châu Khê lúc đó. Sang tháng thứ 2, chú giám đốc bưu điện huyện gọi tôi lên nói rằng, cháu có thể chọn ăn lương cơ bản cố định hoặc ăn lương theo sản phẩm. Vốn thích thử thách bản thân, tôi chọn ngay phương án thứ hai vì như vậy sẽ giúp phát huy được sự năng động, sáng tạo cũng như năng lực, khả năng của mỗi người.”, chị Bắc nhớ lại.

Nhờ có duyên ăn nói cộng với tính tình cởi mở, vui vẻ, thêm vào đó lại chịu khó suy nghĩ tìm tòi cách làm, đặc biệt trau dồi kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thu nhập của chị Bắc dần tăng lên. Có tháng chị bán được 7 triệu tiền báo và được khen bán báo giỏi lúc đó.

Không bằng lòng với bản thân, trong thời gian này, chị còn tranh thủ học thêm kế toán doanh nghiệp rồi làm thêm các công việc khác như gia sư, làm sổ sách kế toán cho vài doanh nhiệp trong khu công nghiệp Châu Khê để tích lũy kinh nghiệm và tăng thu nhập.

 20181105-l1.jpg

 Bốc dỡ, đóng gói hàng cho khách là một trong số những công việc thường ngày của chị


Tốt nghiệp đại học, mặc dù có thể ứng tuyển công việc ở những chỗ khác với mức lương cao hơn nhưng chị Bắc vẫn quyết tâm gắn bó với BĐ-VHX Châu Khê bởi suy nghĩ kiên định rằng, mảnh đất làng nghề Châu Khê quê mẹ thu hút rất nhiều người ở các nơi đến mưu sinh thì cớ gì mình phải tha hương đi tìm việc. Chính nhờ suy nghĩ đó khiến chị luôn vững vàng lập trường tư tưởng, kể cả giai đoạn mô hình BĐ-VHX rơi vào khó khăn. Chị luôn tâm niệm, dù trước mắt còn gian nan nhưng cứ đi rồi sẽ đến, quan trọng là với quyết tâm thực sự, phải mạnh dạn hành động để biến mục tiêu của bản thân thành hiện thực. Trong đầu chị luôn trăn trở tìm lời giải cho câu hỏi, làm thế nào để thu hút được ngày càng đông khách đến với BĐ-VHX, làm thế nào để nhiều người biết về các dịch vụ của bưu điện.

Cần mẫn trồng cây rồi cũng đến ngày được hái quả ngọt, doanh thu của BĐ-VHX Châu Khê tăng vượt bậc theo từng năm. Năm 2017, doanh thu bình quân của BĐ-VHX Châu Khê đạt trên 97 triệu đồng/tháng, gấp hơn 2,5 lần chỉ tiêu được giao. Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu bình quân hàng tháng của BĐ-VHX Châu Khê tiếp tục tăng hơn 20% so với năm 2017. Thu nhập của chị Bắc từ chỗ 144.000 đồng tháng lương đầu tiên, đến nay đã lên đến xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng. Tất cả những điều đó đã minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của chị Nguyễn Thị Bắc cùng BĐ-VHX Châu Khê suốt 20 năm qua.

Khi được hỏi bí quyết nào để gặt hái được thành công như ngày hôm nay, chị Bắc tự tin nói rằng: Để thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, không còn cách nào khác là phải nắm vững về kiến thức chuyên môn và không ngừng học hỏi, bổ sung hiểu biết xã hội cùng các kỹ năng mềm như kỹ năng tư vấn, thuyết trình… thì từ đó mới hiểu, nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người dân và thuyết phục được họ.

“Ở khu công nghiệp Châu Khê có nhiều người dân tộc từ Hà Giang về mưu sinh, họ thường đến BĐ-VHX để chuyển tiền. Nhiều người nói tiếng Kinh không sõi, viết còn chưa đúng chính tả, tôi phải hỏi rồi đánh vần thật kỹ, đặc biệt những chữ cái dễ nhầm lẫn như “s” hay “x”, “i” hay “y” để viết thật chính xác vào phiếu cho họ. Mỗi lần khách hàng đến, tôi rất trân trọng đón tiếp và nhiệt tình hướng dẫn nên người dân đến đây đều rất tin tưởng tôi”, chị Bắc chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bắc được đánh giá là một trong những nhân viên BĐ-VHX tiêu biểu của mạng lưới. Với sự bạo dạn, tự tin, kỹ năng bán hàng và thương thuyết tốt cùng với việc nắm chắc kiến thức chuyên môn, chị đã chủ động phát triển kinh doanh tốt tại BĐ-VHX. Chị thường xuyên được Tổng công ty khen thưởngtrong 3 năm gần đây.

Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi cứ nhớ mãi câu nói của chị rằng: “Không có việc gì dễ dàng cả nên khó khăn là điều bình thường và khi nó đã bình thường rồi thì không còn là khó khăn nữa. Nếu tôi không yêu thích công việc này thì không thể gắn bó đến 20 năm. Đó là đam mê, là tâm huyết, và càng hạnh phúc hơn khi mình sống được bằng nghề.”

vnpost.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video