23/63 tỉnh thành chưa đạt mức sinh thay thế

22/12/2010
Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 cơ bản đã nâng cao chất lượng dân số song vẫn còn 23/63 tỉnh thành chưa đạt mức sinh thay thế, chiếm 34% dân số cả nước.

(LĐO) – Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, số trẻ em sinh ra trong năm 2010 ước khoảng 1,2 triệu trẻ, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2009. Đã có 40/63 tỉnh thành có tổng số trẻ em sinh ra giảm như: TP. HCM, Tiền Giang, An Giang, Lâm Đồng, Đà Nẵng….

Số trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên ước khoảng 122.600 trẻ. Trong số đó có 9 địa phương có số trẻ em sinh ra là con thứ ba trở lên tăng như: Sơn La, Điện Biên, Hải Dương, ….

Mặc dù trong 10 năm qua, nhiều địa phương thuộc vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã đạt tốc độ giảm sinh rất nhanh nhưng do xuất phát phát điểm mức sinh cao nên năm 2009 vẫn còn 23/63 tỉnh, thành chưa đạt mức sinh thay thế. Các địa phương có mức sinh cao chủ yếu tập trung tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: “Nhiều địa phương đã đạt được mức sinh thay thế nhưng dân số vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm với các yếu tố tác động, chưa loại trừ được khả năng mức sinh tăng trở lại. Ở những địa phương có mức độ đô thị hóa cao, mức sinh đã tương đối thấp nếu tiếp tục thực hiện chính sách DS-KHHGĐ như trước sẽ làm cho mức sinh giảm xuống quá thấp. Vì vậy đòi hỏi phải có những chính sách linh hoạt thích ứng với những diễn biến của mức sinh từng vùng”.

Bên cạnh đó, điều đáng nói là chất lượng dân số nước ta vẫn còn chậm được cải thiện. Tuy chỉ số phát triển con người HDI của VN đã tăng từ 0,69 điểm (2000) lên 0,72 điểm (2009) nhưng VN vẫn nằm trong nhóm các nước có HDI mức trung bình. Số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi và xếp thứ 116/182 nước trên thế giới. Tỷ lệ dân số đã qua đào tạo kỹ thuật rất thấp. Tính đến năm 2009, chỉ có 13,3% dân số từ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 1,6% cao đẳng; 4,2% ĐH và 0,2% trên ĐH.

Sự cách biệt về chỉ báo sức khỏe sinh sản còn khá lớn giữa các vùng như: tỷ số chết mẹ, tỷ suất chết trẻ em và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao. Tử vong suy dinh dưỡng chiếm tới 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 50% trẻ em tử vong dưới 5 tuổi. Tình trạng thừa cân béo phì trong lứa tuổi học đường đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Tình trạng phá thai vẫn còn nhiều ở mức 29 ca phá thai/100 trẻ sinh sống, trong đó vẫn còn nhiều trường hợp phá thai nhiều lần.

Đây được coi là những thách thức lớn đối với công tác DS-KHHGĐ ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

Dương Hải

Ban quốc tế khai thác

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video