3 năm thực hiện nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước

16/03/2010
Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước” có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, đóng góp ngày càng xứng đáng hơn vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, thực hiện bình đẳng giới.


Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, lãnh đạo ngành ngân hàng đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ giải pháp do NQ 11- NQ/TW đề ra; chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với quy mô, vai trò của ngành ngân hàng, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội, cho sự phát triển của ngành.


Sau ba năm thực hiện nghị quyết, phụ nữ ngành ngân hàng đã được nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Chị em đã được tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ trong và ngoài nước, thực hiện nghiên cứu các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia đóng góp ý kiến soạn thảo và xây dựng các dự thảo luật, Nghị định có liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng… Các đề tài khoa học và và sản phẩm mới cải tiến của phụ nữ ngành ngân hàng đã đem lại hiệu quả và thành công cao trong hoạt động của ngành.


Nhằm triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác phụ nữ trong những năm qua; căn cứ vào các các mục tiêu của nghị quyết, ngành ngân hàng đã có kế hoạch hoạt động số 14/ NHNN- TCCB2 vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành ngân hàng giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu “ổn định và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, không ngừng nâng cao trình độ và tăng cường đội ngũ cán bộ trong lãnh đạo và quản lý để đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành ngân hàng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Kết quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu của ngành cụ thể như sau:


Một là, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, góp phần xóa đói giảm nghèo. Phấn đấu toàn ngành không có hộ đói, nghèo. Ngân hàng nông nghiệp đã đưa nhiệm vụ này vào kế hoạch hoạt động của ngành, giao cho Ngân hàng NN và phát triển nông thôn và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phối hợp với các đoàn thể phát triển các chương trình vay vốn và tài trợ nước ngoài dành cho phụ nữ. Cán bộ nữ ngành ngân hàng đã quan tâm bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ nữ, tạo cơ hội, điều kiện để cán bộ nữ phát huy năng lực, yên tâm công tác. Trong công tác tuyển dụng, các đơn vị đều có quy trình tuyển dụng riêng nhưng đều đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ trong tuyển dụng. Hiện nay, số phụ nữ được tuyển dụng chiếm khoảng 60% tổng số lao động được tuyển dụng trong toàn ngành, đưa tỷ lệ nữ từ 59,6% năm 2006 lên gần 65% năm 2009.


Hai là, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong đào tạo, giáo dục và tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước. Ba năm qua đã có 38,7% cán bộ nữ trên tổng số 700 cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài. Hiện nay, ngành ngân hàng có 3 nữ giáo sư; 59 tiến sỹ; 1.114 thạc sỹ; tỷ lệ cao đẳng, đại học chiếm 60%; 554 cử nhân và cao cấp lý luận chính trị.


Hiện nay toàn ngành đã có 43% cán bộ nữ trên tổng số cán bộ được giới thiệu vào diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp. Số chị em trong diện quy hoạch đã được tạo điều kiện về thời gian, bố trí công việc phù hợp để bồi dưỡng thêm về kỹ năng lãnh đạo quản lý. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đao cấp vụ, giám đốc, phó giám đốc các chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh/thành phố chiếm 22%. Về công tác phát triển đảng viên, hiện nay số cán bộ nữ là đảng viên trong ngành chiếm 54,8% tổng số đảng viên.


Ba là, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ, phấn đấu 100% cán bộ nữ có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu công tác, phấn đấu phụ nữ không mắc bệnh nghề nghiệp, các bệnh xã hội.


Hàng năm các đơn vị đã tổ chức nhiều đợt khám sức khỏe định kỳ cho phụ nữ, chế độ bảo hiểm y tế được bảo đảm. Một số đơn vị còn hỗ trợ thêm kinh phí cho phụ nữ nghỉ thai sản ngoài chế độ được hưởng.


Bốn là, tăng cường năng lực hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. 100% cán bộ làm công tác nữ công và cán bộ ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp được tập huấn kỹ năng hoạt động, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các đơn vị trong ngành được nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới.


Để đạt kết quả cao hơn trong triển khai thực hiện nghị quyết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thực hiện các mục tiêu, giải pháp thực hiện nghị quyết. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức các phong traò thi đua, các cuộc vận động do Trung ương hội LHPN Việt Nam phát động. Tăng cường sự phối hợp hoạt động của Ban nữ công và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.

Ngọc Mai - VP TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video