30 năm Hiệp hội Marie Schlei – 30 năm nâng cao quyền năng cho phụ nữ vì một thế giới công bằng hơn

31/12/2014
Phụ nữ là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xóa bỏ bất bình đẳng. Nâng cao quyền năng cho phụ nữ có vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của gia đình, làng xóm, cộng đồng và đất nước. Sự tham gia đông đảo của phụ nữ trong lực lượng lao động đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế, bao gồm cả nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Phụ nữ tham gia lao động giúp cho kinh tế tăng trưởng.

Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong việc trả lương cho các công việc như nhau, trong tiếp cận tài sản và các nguồn lực. Vì vậy, bất công và bất bình đẳng vẫn còn là vấn đề đối với phụ nữ. Mặc dù thực tế là thời gian lao động của phụ nữ chiếm 2/3 thời gian lao động của cả thế giới, nhưng thu nhập của họ chỉ chiếm 10% thu nhập của cả thế giới. Phụ nữ là một nhân tố kinh tế và không thể thiếu được đối với sự phát triển bền vững của một đất nước.

Hiệp hội Marie Schlei (MSA) được thành lập năm 1984 nhằm thúc đẩy công tác giáo dục và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La tinh. MSA phấn đấu vì sự bình đẳng của phụ nữ và hợp tác với các tổ chức phụ nữ ở các nước đang phát triển, qua đó góp phần xây dựng một thế giới bình đẳng hơn thông qua việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Mặt khác, MSA tích cực gây quỹ cho các dự án phát triển cũng như mời đại diện các tổ chức đối tác tham dự các hội thảo, tọa đàm và các cuộc đối thoại bàn tròn về vai trò của phụ nữ ở các nước đang phát triển.

Hiện nay, 2/3 số người mù chữ là phụ nữ, do đó, việc nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho phụ nữ là một việc hết sức cần thiết. Nếu thiếu giáo dục, đào tạo, phụ nữ sẽ khó thoát khỏi bẫy đói nghèo. MSA tập trung vào việc đào tạo nghề cho phụ nữ. Ngoài việc đào tạo về kỹ thuật sản xuất mới, kỹ thuật bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng là một nội dung chính trong các dự án dành cho phụ nữ nông thôn. Một thách thức chung nữa đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn ở nhiều nước là vấn đề tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Phụ nữ thường không được tiếp cận với các phương tiện vận tải hiệu quả, hợp túi tiền. Khi tham gia vào các dự án hợp tác, phụ nữ được đào tạo các ngành nghề thủ công truyền thống và phi truyền thống, các ngành liên quan đến công nghiệp, cơ khí, các loại hình dịch vụ cũng như được đào tạo kỹ năng quản lý sổ sách và sử dụng máy vi tính. Những kỹ năng này giúp phụ nữ có thể thoát khỏi vai trò truyền thống để trở nên hiểu biết, tự tin và độc lập. Việc có thu nhập độc lập là bước ngoặt đối với nhiều phụ nữ, giúp họ đấu tranh chống lại việc hạn chế sự tham gia và tiếp cận cơ hội của phụ nữ. Nhiều phụ nữ than phiền rằng họ bị đẩy ra ngoài lề xã hội do không được giáo dục và đào tạo. Vì vậy, những dự án hợp tác giúp phụ nữ học hỏi cách tự tổ chức và quản lý cuộc sống của mình. Họ được tham gia các buổi nói chuyện về quyền phụ nữ, được tiếp cận tín dụng vi mô để khởi sự kinh doanh nhỏ. Các dự án đó đã góp phần giúp phụ nữ tự trọng hơn, tự hào vì có thu nhập cho chính mình, từ đó giúp cuộc sống gia đình được cải thiện và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hiệp hội Marie Schlei đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến chống đói nghèo từ năm 1999. Từ đó đến nay, sự hợp tác giữa hai tổ chức được thực hiện thông qua 8 dự án tại 7 tỉnh với các ngành nghề khác nhau như làm nón lá, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng hoa, trồng nấm, sản xuất miến rong, trồng rau an toàn và làm đậu phụ. Các dự án không chỉ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho phụ nữ và người dân địa bàn dự án mà còn thu hút sự tham gia tích cực của phụ nữ đối với các hoạt động của Hội, từ đó nâng cao năng lực cho phụ nữ và giúp Hội thực hiện được các mục tiêu của mình. MSA và Hội còn tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm về các chính sách bình đẳng giới và những vấn đề liên quan đến phụ nữ trên toàn cầu, đặc biệt trong việc thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cũng như việc xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Công bằng giới và nâng cao quyền năng giới là quyền con người và cần được đưa vào chương trình nghị sự của Liên hợp quốc. Tình đoàn kết giữa phụ nữ Đức và Việt Nam cần được tiếp tục duy trì và phát huy để góp phần xóa bỏ bất công, bất bình đẳng và phân biệt đối xử giới cũng như chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.

GS.TS Christa Randzio-Plath

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video