4 thập kỷ vì trẻ em Việt Nam

24/09/2015
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 1/3; tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm 80%... Đó là hai trong số nhiều bước tiến quan trọng mang dấu ấn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam trong hành trình 40 năm đồng hành, góp phần nâng cao cuộc sống và phúc lợi cho nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Trường Tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là nơi thực hiện thành công Chương trình giáo dục song ngữ do UNICEF hỗ trợ. Hàng ngày, để đến trường học, nhiều em phải đi rất xa, vượt qua các ngọn núi phủ sương và các thửa ruộng bậc thang. Thế nhưng, các em rất hào hứng vì được học bằng tiếng của dân tộc mình kèm tiếng Việt. Dần dần, các em đã đọc thông viết thạo cả 2 thứ tiếng: Mông và tiếng Việt.

Tương tự ở Lào Cai, nhằm giúp trẻ em vùng dân tộc thiểu số vượt qua rào cản về ngôn ngữ, UNICEF cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác triển khai thực hiện Chương trình giáo dục song ngữ tại Gia Lai và Trà Vinh với các ngôn ngữ Jrai và Khmer. Theo UNICEF, dùng tiếng địa phương đảm bảo kiến thức mà các em được tiếp thu sẽ là cơ sở để học tiếp lên cao. Đây là một trong những hỗ trợ thiết thực nhất của UNICEF đối với Việt Nam.

Kể từ những ngày đầu tiên có mặt tại dải đất hình chữ S tới nay, chương trình hợp tác giữa UNICEF và Việt Nam đã chuyển hướng từ hoạt động ứng phó khẩn cấp và tái thiết sang đáp ứng các nhu cầu cơ bản về y tế và giáo dục. Với việc dịch và phát hành cuốn tài liệu của Liên hợp quốc về  “Những điều cần thiết cho sự sống” bằng tiếng Việt và 5 tiếng dân tộc thiểu số (gồm: Mông, Thái, Tày - Nùng, Bahnar và Jrai), UNICEF đã giúp hơn 100.000 phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam có kiến thức về 10 chủ đề liên quan tới sức khỏe, nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm phòng...

 

Bước tiến mới trong hợp tác

Hiện nay, chương trình hợp tác của UNICEF tập trung vào cải thiện các dịch vụ xã hội và hỗ trợ xây dựng chính sách phù hợp và khung pháp lý hiệu quả để đảm bảo mỗi em trong 30 triệu trẻ em Việt Nam, gái cũng như trai, có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thực hiện quyền trẻ em bao gồm thông qua Luật nuôi con nuôi, phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật, thành lập tòa án chuyên trách đầu tiên về trẻ em, Tòa án Gia đình và người chưa thành niên. Việt Nam đã thông qua Luật Lao động sửa đổi năm 2012 về việc tăng chế độ nghỉ thai sản của phụ nữ lên 6 tháng hay Luật quảng cáo giúp tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ với việc cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2012 - 2016, ở cấp địa phương, tại 8 tỉnh, thành (Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, An Giang, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh), UNICEF thực hiện các chương trình phối hợp lồng ghép đáp ứng nhu cầu thực tế của trẻ em về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, nước và vệ sinh môi trường, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ trẻ em và chính sách xã hội. Các chương trình hợp tác trên nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng trẻ em bị thiệt thòi và yếu thế nhất, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trẻ em nghèo ở khu vực đô thị và trẻ em khuyết tật.

Ông Youssouf Abdel Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cam kết: “UNICEF sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực chính sách, vận động nguồn lực, đảm bảo thực hiện quyền của tất cả trẻ em Việt Nam, đặc biệt là những trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ em di cư, trẻ khuyết tật và trẻ em dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa. UNICEF sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Chính phủ Việt Nam cũng như mở rộng các quan hệ đối tác để đảm bảo thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) sau năm 2015”.

 * Ngày 22/9/2015, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UNICEF đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa ViệtNam - UNICEF vì trẻ em. Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được những bước tiến bộ cho trẻ em trong bốn thập kỷ qua. Trong thời gian từ năm 1986 đến năm 2014, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm 80% và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch tăng gấp đôi, từ 41% lên 92%. Ngày nay, hầu hết trẻ em đều được đến trường và được chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt và uốn ván ở bà mẹ và trẻ em sơ sinh.

“Việt Nam đã quyết định trở thành quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy quyền trẻ em năm 1990 và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục vài trò lãnh đạo và đi đầu trong ASEAN, đặc biệt là trong Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền và những sáng kiến quan trọng như các diễn đàn trao đổi gần đây về ảnh hưởng của hội nhập kinh tế đối với quyền trẻ em”.

Ông Daniel Toole
Giám đốc  NICEF khu vực Châu Á- Thái Bình Dương

Ngự Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video