5 lĩnh vực LHQ đồng hành với Việt Nam hướng đến sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em

06/03/2019
Đó là khẳng định của ngài Kalmal Malhotra – Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trong Lễ phát động Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 6/3/2019

PHÁT BIỂU CỦA ÔNG KALMAL MALHOTRA – ĐIỀU PHỐI VIÊN THƯỜNG TRÚ LHQ TẠI VIỆT NAM

Tại Lễ phát động Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em

Hà Nội, ngày 6/3/2019

Kính thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,

Kính thưa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tỉnh/thành phố,

Các vị khách quốc tế, các đối tác phát triển, đại diện các doanh nghiệp và các đồng nghiệp Liên hợp quốc,

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Chúc các quý vị một buổi sáng tốt lành!

Tôi rất vui mừng có mặt ở đây ngày hôm nay với tư cách là đại diện của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, trong Lễ phát động năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Chúng tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vì đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. Như chúng ta đều biết, đây không chỉ là vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái mà còn là vấn đề của nam giới, của trẻ em trai và của cả xã hội.

Chủ đề của ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là: "Tư duy bình đẳng, kiến tạo thông minh, sáng tạo để thay đổi". Chủ đề này giúp chúng ta hướng đến những phương thức mới mà chúng ta có thể thúc đẩy bình đẳng giới và tạo bình đẳng cho phụ nữ trong quá trình hình thành các chính sách quốc gia đặc biệt trong an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ công và cơ sở hạ tầng bền vững. Ví dụ, chúng ta cần giải quyết các nhu cầu và ưu tiên của phụ nữ trong lĩnh vực phi chính thức, đảm bảo cho phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, được hệ thống tư pháp bảo vệ và đảm bảo rằng môi trường giao thông, công cộng không có quấy rối tình dục.

 Ảnh minh họa

Ông Kalmal Malhotra – Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em


Kính thưa quý vị,

Chúng ta biết rằng mối quan hệ quyền lực bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trong tất cả các quan hệ xã hội là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển công bằng. Với thời lượng cho phép, tôi sẽ tập trung chủ yếu vào một lĩnh vực, đó là bạo lực trên cơ sở giới. Nơi mà mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đó cũng là lĩnh vực mà Liên hợp quốc và Hội LHPN Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ. Vì vậy rất phù hợp để tôi nhấn mạnh trong sự kiện hôm nay.

Sự phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn là hình thức vi phạm quyền con người phổ biến nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại hình tội ác ít bị truy tố nhất. Tại Việt Nam, các số liệu và bằng chứng đều cho thấy, nhiều phụ nữ và trẻ em đang không được an toàn ở nhà mình, tại trường học, nơi làm việc cũng như tại nơi công cộng.

Liên hợp quốc tại Việt Nam có mặt ở đây để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Lồng ghép giới trong mọi lĩnh vực hoạt động của chúng tôi là vô cùng thiết yếu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh này và trong khuôn khổ Một Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2017-2021 giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chúng tôi đã xác định một trong những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhiệm là giải quyết mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tôi xin được nhấn mạnh 5 lĩnh vực mà LHQ tại Việt Nam có thể đồng hành với Chính phủ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các đối tác cấp quốc gia khác và quan trọng nhất là các nhóm cộng đồng trong cả nước nhằm đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em:

Một là, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực thông qua nâng cao nhận thức của mọi người, từ đó phát triển văn hóa tôn trọng và bình đẳng của mọi giới trong mọi bối cảnh: ở nhà, trường học, nơi làm việc và nơi công cộng. Các sáng kiến phòng ngừa tập trung vào trẻ em trai và trẻ em gái trong trường học có thể giúp thay đổi thái độ và hành vi còn đang đánh giá thấp phụ nữ và trẻ em gái cũng như dung thứ cho bạo lực trên cơ sở giới và quấy rối tình dục.

Hai là, cung cấp các số liệu có ý nghĩa và đáng tin cậy về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, cả ở nơi công cộng lẫn nơi riêng tư, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng luật pháp dựa trên bằng chứng, các ưu tiên về chính sách và cải thiện hệ thống tư pháp, cũng như nâng cao hiệu quả giám sát và đánh giá.

Ba là, vận động và thúc đẩy vai lãnh đạo và tham gia đầy đủ của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ cũng như lồng ghép quan điểm bình đẳng giới vào tất cả các lĩnh vực chính sách và ra quyết định.

Bốn là, tăng cường các dịch vụ đa ngành dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực thông qua tăng cường điều phối các dịch vụ thiết yếu dựa trên những tiêu chuẩn toàn cầu nhằm đảm bảo an toàn trước mắt cũng như việc tiếp cận công lý cho phụ nữ và trẻ em bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.

Năm là, thúc đẩy quan hệ với các đối tác với các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân cũng như các mạng lưới xã hội ở cộng đồng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Kính thưa quý vị,

Tinh thần "Không ai bị bỏ lại phía sau" nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu phát triển bền vững đòi hòi tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam phải cảm thấy an toàn, có được sự tự tin, được trao quyền và mọi giới phải được bình đẳng. Một chiến dịch đơn lẻ không thể đạt được khát vọng này nhưng nó có thể khơi nguồn và thúc đẩy những hành động quan trọng về mặt chính sách nhằm tạo ra thay đổi lâu dài theo hướng tích cực. Liên hợp quốc sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam, với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và tất cả người dân trong nỗ lực chung này.

Xin cảm ơn!

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video