8.000 phụ nữ sẽ được tiếp sức ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi

04/06/2022
Sáng 2/6, Đại sứ quán Úc và UN Women Việt Nam đã khởi động Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại TPHCM và các tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở miền nam Việt Nam”.
Ra mắt dự án ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phụ nữ bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19

Theo báo cáo từ đơn vị tổ chức, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã góp phần làm giảm thời gian làm việc của phụ nữ cũng như số lượng công việc trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã giảm 8% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2021, cụ thể là giảm từ 70.9% xuống còn 62.3%. Một đánh giá nhanh thực hiện bởi UNICEF, UNFPA và UN Women với sự hỗ trợ của DFAT vào năm 2021 cho thấy phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam - cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng đã tồn tại từ trước, bao gồm các vấn đề về giới ở Việt Nam. Việc phụ nữ bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập và bị tăng gánh nặng chăm sóc không lương cho thấy sự bất bình đẳng về vai trò giới cũng như sự gia tăng phụ thuộc về kinh tế và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ. Ngoài ra, căng thẳng kinh tế, sự bất ổn liên quan đến thiên tai và sự hạn chế trong việc tiếp cận hay trang bị kiến thức về các dịch vụ hỗ trợ có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực với phụ nữ và trẻ em”.

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam - chia sẻ thông tin thiết thực về dự án

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, ngay sau dịch được kiểm soát, Hội đã tổ chức được 73 lớp dạy nghề ngắn hạn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phục hồi phát triển kinh tế sau dịch. Ngày hội tiết kiệm vì phụ nữ nghèo tiếp tục nhận được sự góp sức của hội viên với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, được chi vào các hoạt động an sinh, chăm lo cho phụ nữ và trẻ em. "Chúng tôi cần nhiều nguồn lực như các chương trình và dự án hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em phục hồi sau dịch COVID-19” - bà Hoa nói.

Dự án lần này kéo dài một năm, trị giá 1,46 triệu USD, dành hỗ trợ phục hồi và ứng phó khẩn cấp cho phụ nữ dễ bị tổn thương ở TPHCM và tỉnh Tiền Giang - hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Ước tính có khoảng 8.000 phụ nữ nghèo hoặc cận nghèo, người thất nghiệp hoặc người bị mất thu nhập, người di cư, người có nguy cơ bị bạo lực cao hơn hoặc là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng sẽ được hưởng lợi từ việc nhận các gói hàng hỗ trợ khẩn cấp, chuyển tiền mặt và hỗ trợ kĩ thuật có tính đáp ứng giới để phục hồi sinh kế.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video