80 tuổi một mình lê bước mưu sinh

13/03/2009
Bố mẹ mất sớm, không một người thân thích, bà lấy chồng sinh được một đứa con gái rồi chồng qua đời, đứa con gái câm điếc, tâm thần cũng bỏ bà đi biệt tích. Đã hơn 80 tuổi, bà vẫn sống cô độc một mình, lam lũ đi xin ăn để sống qua ngày.

Đó là hoàn cảnh của cụ Lường Thị Thúc, thôn Trung Hải, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).  

Không khó để tìm ra căn nhà tạm bợ, tuềnh toàng, lụp xụp đang là nơi che chở cho tấm thân già yếu, cô độc của cụ Thúc. Đã quá trưa khi chúng tôi tìm được đến nhà cụ, giữa cơn mưa phùn và cái giá lạnh của tiết trời cuối đông, trước mặt là hình ảnh một bà cụ trên 80 tuổi nặng nề lê từng bước chân khiến chúng tôi không khỏi động lòng.

 

Cụ Thúc bước đến trước cánh cửa tre đẩy nhẹ, cụ mời chúng tôi vào nhà. Nói là nhà cho sang chứ thực ra chỉ là một túp lều, đứng trong nhà có thể nhìn thấy cả một khoảng trời. Căn nhà chỉ còn lại vài mảnh tôn lợp gác trên những bức tường đổ vỡ nham nhở. Trong căn lều tạm bợ ấy không có một vật dụng gì ngoài chiếc giường ọp ẹp và mảnh chăn đã quá cũ kĩ rách nát.

 

Khi chúng tôi chưa kịp hỏi gì, cụ đã ngồi bệt xuống giường ôm mặt khóc, những giọt nước mắt lăn nhẹ trên nếp da nhăn nheo, như đã cạn dần theo năm tháng vất vả của cuộc đời cụ. Phải động viên mãi cụ mới kể lại cuộc đời đầy vất vả, cơ cực của mình. Năm 18 tuổi, cụ lấy chồng, đôi vợ chồng trẻ mãi mới sinh được một cô con gái. Nào ngờ đứa con gái bao năm trông ngóng sinh ra bị mắc căn bệnh câm điếc bẩm sinh, lớn lên lại mắc chứng ngớ ngẩn nên thường bỏ nhà đi lang thang.

 

Hai vợ chồng đã dồn hết sức lực, của cải đem con đi chạy chữa khắp nơi nhưng cũng chẳng có chút hy vọng nào. Người chồng thấy vậy đâm ra chán nản, bỏ bê mọi việc, suốt ngày chìm vào những cơn say rồi lâm bệnh qua đời, để lại người vợ trẻ và đứa con tật nguyền.

 

Những tháng ngày tiếp theo đối với cụ Thúc là những chuỗi ngày đầy những khó khăn, vất vả. Nhiều khi trong nhà không còn lấy dù chỉ một củ khoai, một hạt gạo ăn cầm hơi,  hai mẹ con đành phải hái sung xanh về luộc ăn thay cơm. Đã thế, đứa con gái cứ chờ mẹ ra khỏi nhà là tìm cách trốn đi. Có hôm chị bỏ đi mấy ngày không về làm cụ nháo nhào tìm con, khóc cạn nước mắt. Đến năm con gái bà tròn 20 tuổi thì chị bỏ bà đi biệt tích không về nữa. Người mẹ tội nghiệp khăn gói đi khắp nơi tìm con, nhưng tìm suốt mấy năm ròng vẫn biệt vô âm tín.

 

Chồng mất, đứa con duy nhất cũng bỏ cụ mà đi, cụ Thúc đâm ra sầu não, sức khỏe của cụ giảm sút nhanh và thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật. Đêm đến nhớ chồng, thương con, cụ lại vùi mình trong mảnh chăn nhàu nát khóc thương cho số phận bất hạnh của mình. Hàng xóm cũng đã quá quen với tiếng khóc than khàn khàn hàng đêm của cụ. “Nhiều lần nghĩ quẩn tui muốn chết cho xong, nhưng không mần răng mà chết được. Thân già sống thế này cực lắm con ơi!”, cụ Thúc nghẹn ngào. Trên đôi mắt nhèm nhèm đầy những vết trắng mờ đục, những giọt nước mắt cứ thế rơi ra, chảy dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn và sạm đen vì nắng gió.

 

Không người ruột thịt thân thích, nhiều năm qua cụ Thúc đã phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, người cho nắm rau, người cho bát gạo. Hôm nào khỏe chân thì ra chợ xin được lá rau, con cá… sống qua ngày. Nhìn vào trong chiếc bị cụ mới đi xin về, chỉ có vài quả chuối xanh, vài con cá vụn mà thấy xót lòng.

 

Bà Thoa, hàng xóm của cụ cho chúng tôi biết thêm: Cái nhà hỏng dở mà cụ đang ở là làng xóm góp lại xây cho, nhưng trong đợt bão vừa rồi đã bị hư hỏng nặng. Trước đó cụ ở trong một căn nhà tranh nhưng bị bão cuốn đi: “khổ thân bà cụ, hàng xóm láng giềng thương cho hoàn cảnh của cụ lắm nhưng cũng chả giúp được gì hơn cho cụ”.

 

Chia tay bà cụ ra về mà trong lòng chúng tôi không khỏi xót xa. Hình ảnh cụ Thúc trong căn nhà dột nát cứ in hằn trong tâm trí chúng tôi trên suốt quãng đường trở về.

Theo Dân Trí

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video