9X Lâm Đồng đa dạng hóa sản phẩm, tìm "đầu ra" cho nông sản thời covid

26/09/2020
Dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ bí đỏ khiến nông dân xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) bị thất thu. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Thị Hoài Anh đã nghiên cứu và sử dụng công nghệ sấy lạnh để tạo ra sản phẩm bột bí đỏ, với mong muốn tạo thêm nguồn tiêu thụ bí cho người dân.
Nguyễn Thị Hoài Anh, chủ dự án khởi nghiệp bột bí An

Hoài Anh sinh năm 1998. Ba của cô là một nông dân có tiếng trong vùng vì ông là một trong những người đầu tiên ở xã Tu Tra trồng bí. Gia đình đã gắn bó với nghề trồng bí 20 năm. Hiện tại, gia đình Hoài Anh đang liên kết với khoảng 400 hộ dân trong huyện để trồng và tiêu thụ giống bí đỏ của Nhật cho thị trường trong và ngoài nước.

Điều đặc biệt là giống bí này có ruột vàng, vỏ xanh, phát triển tốt nhất khi được trồng ở vùng đất Đơn Dương, vì thế nó đã trở thành đặc sản nơi đây. Tuy nhiên, trái bí tươi chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn. Đặc biệt, năm nay, dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ bí. Giá bí giảm, hơn 1.000 tấn bí bị tồn trong những tháng đầu năm khiến nông dân xã Tu Tra thất thu, điêu đứng.

Hiểu được những lo lắng của ba cũng như bà con nông dân trong vùng, Hoài Anh trăn trở phải làm ra một sản phẩm nào đó từ bí để có thể giữ được trong thời gian lâu hơn. Cô tham khảo nhiều mô hình, từ nấu sữa bí, hấp chín rồi phơi... mọi cách đều không giải quyết được triệt để vấn đề.

Cuối cùng, cô đã tìm ra công nghệ sấy lạnh và mất 1 tháng để tìm ra công thức chuẩn cho sản phẩm bột bí của mình. Cô đặt tên sản phẩm là An, với hàm ý mang tới sự an tâm và an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, cô còn tận dụng hạt bí dư ra trong quá trình làm bột để làm hạt bí sấy.

Bột bí An ra đời giúp người dùng sử dụng được bí Nhật với nhiều mục đích hơn, tiện dụng và bảo quản được lâu hơn. Hiện tại, quy mô sản xuất còn nhỏ, lượng sản phẩm chưa nhiều. Nhưng những đánh giá của thị trường khiến cô gái 9X này có niềm tin rằng, đây sẽ là con đường đúng để cô tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Những "bước đi" đầu đời

Mới 22 tuổi nhưng trong câu chuyện khởi nghiệp của Hoài Anh dễ nhận thấy con đường bài bản, mục tiêu được vạch sẵn.

Sau khi hoàn thiện sản phẩm, cô đã mang đi kiểm định, làm mã vạch và đăng ký thương hiệu. Trong đó, việc tham gia đánh giá sản phẩm OCOP được Hoài Anh xem là cơ hội để học hỏi, rút kinh nghiệm và hoàn thiện sản phẩm của mình. Ngày 14/7 vừa qua, sản phẩm Bột bí An của Hoài Anh đã được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Đơn Dương chấm điểm là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, đồng thời trình UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận trong năm 2020. Đó là động lực để Hoài Anh tiếp tục phát triển sản phẩm mới.

Sắp tới, Hoài Anh cùng sản phẩm Bột bí An của mình sẽ tham gia cuộc thi "Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2020". Cùng chúc cho dự án của Hoài Anh sẽ ngày càng phát triển, tạo thêm nguồn tiêu thụ giúp người nông dân có thể bán giá cao hơn, giảm được phần nào rủi ro khi nguồn cung dư thừa.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video