9X “mở lối" cho giống nghệ bản địa vươn xa

13/03/2020
Son, xà phòng, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm làm đẹp khác từ giống nghệ bản địa đã giúp Lê Thị Thư, cô gái 9x ở M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk), khởi nghiệp thành công.
Minh Thư và các sản phẩm làm đẹp từ giống nghệ địa phương

Được truyền cảm hứng từ 2 cuốn sách

M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk), nơi Thư sinh ra và lớn lên, là một vùng sỏi đá, nhiều cát, nắng mưa ngược với những vùng xung quanh nhưng nơi đây lại thích hợp để trồng giống cây nghệ bản địa, củ nhỏ nhưng dược tính cao hơn giống lai.

Từng là một nhân viên ngân hàng, Thư quyết định bỏ việc ngân hàng và bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2018. "Với tôi, trăn trở nhất lúc đó là phải rời bỏ thành phố nhộn nhịp để về vùng quê nghèo nhưng tôi luôn bị thôi thúc bởi suy nghĩ phải làm gì đó tại quê nhà. Sau khi đọc hai cuốn sách về khởi nghiệp, tôi đã thực sự được truyền cảm hứng và quyết tâm thay đổi", chị Thư chia sẻ.

Điều thôi thúc Thư phải làm gì đó để phát triển nông sản của quê nhà xuất phát từ câu chuyện "được mùa rớt giá" của những người trồng nghệ tại M’Drắk, trong đó có gia đình cô. Đó là năm 2016, nghệ ở M’Drắk được thu mua với giá cao, người dân thấy lợi nhuận tốt đua nhau trồng. Đến năm 2017, nghệ rớt giá thảm hại, lượng nghệ tích trữ nhiều đến nỗi phải bỏ đi.

Tìm hướng đi khác biệt

Phải làm gì để công sức của bà con không bị uổng phí? Làm gì để tận dụng nguồn nông sản chất lượng tốt ở quê nhà? Đó là điều mà Thư trăn trở mỗi ngày. "Tại sao mình không tận dụng nguồn nguyên liệu đó để tạo ra thành phẩm khi mà nghệ tươi không để lâu được. Nếu làm thành thành phẩm thì có thể để được 1 - 2 năm", Thu từng nghĩ như vậy. Chính "bài toán" này đã khiến Thư quyết định khởi nghiệp với nghệ từ năm 2018.

Hàng loạt sản phẩm làm đẹp từ giống nghệ địa phương đã giúp Lê Thị Thư khởi nghiệp thành công

Trên thị trường đã có nhiều sản phẩm được làm từ nghệ, sản phẩm của Thư phải khác biệt mới thu hút được khách hàng. Thay vì lựa chọn hướng đi đã được nhiều người thực hiện như phát triển sản phẩm tinh bột nghệ hỗ trợ bệnh đau dạ dày, tinh bột nghệ dành cho phụ nữ sau sinh, Thư tính đến phương án làm các sản phẩm làm đẹp.

Lê Thị Thư cho biết, sau khi dùng son bột nghệ do cơ sở của Thư sản xuất, khách hàng đã phản hồi rất tốt. Hiện tại, son là sản phẩm tiếp cận khách hàng nhiều nhất và thương hiệu Epis dần có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Thời gian đầu khi mới ra mắt, số lượng son tiêu thụ chỉ khoảng 100 - 200 sản phẩm/tháng. Đến nay, cơ sở sản xuất của Thư đã bán được trên 1.000 sản phẩm/tháng. So với sản phẩm công nghiệp, tuy son không lên màu rực rỡ, độ lỳ cũng không được lâu nhưng lại đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Năm 2019, Lê Thị Thư đã tham gia cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Sản phẩm từ nghệ của Thư đã lọt vào vòng Chung kết. Nỗ lực của Thư đã được đền đáp bằng việc tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Giống nghệ bản địa cũng được sử dụng, cho ra những sản phẩm hữu ích.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video